Ngày 3/12, tại Hội nghị với các bộ, ngành về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024, bà Phạm Thị Hồng Vân, trưởng phòng Quản lý dự án trung ương – Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm đến nay có 6 bộ đề nghị trả lại kế hoạch vốn năm 2024 với tổng số đề nghị trả lại là hơn 2.092,4 tỷ đồng (bao gồm cả số đã phân bổ chi tiết và số chưa phân bổ), gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế.
Tuy nhiên đến nay, Thủ tướng chính phủ chỉ phê duyệt giảm 1.129,11 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài, trong đó giảm toàn bộ kế hoạch vốn của Bộ Công thương và một phần kế hoạch vốn đề xuất trả của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành trung ương và theo số liệu từ Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), tính đến hết tháng 11/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài chỉ đạt 39,06% kế hoạch điều chỉnh. Trong đó, hai bộ có tỷ lệ giải ngân trên 50% là Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Còn 1 tháng để các bộ ngành đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, đây là nhiệm vụ rất thách thức. |
Tuy nhiên, bốn bộ, ngành gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, và Bộ Y tế vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao.
“Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc hoàn thành mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn như Chính phủ đề ra”, Bộ Tài chính cho hay.
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm bao gồm: Nhiều dự án gặp khó khăn trong việc đền bù, thu hồi đất. Quy trình đấu thầu chưa đồng bộ, gây trì hoãn, cùng với đó, nhiều dự án phải thay đổi nội dung hiệp định vay, kéo dài thời gian phê duyệt.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan đó là việc xử lý các hồ sơ mời thầu và sửa đổi hiệp định vay bị chậm từ phía đối tác nước ngoài.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cũng chỉ ra rằng, những khó khăn giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cơ bản tiếp nối từ năm 2023. Khó khăn lớn nhất nổi lên trong năm nay là về nguồn vật liệu phục vụ cho thi công các công trình. Vấn đề này không chỉ liên quan tới Luật Đầu tư công, mà còn liên quan đến nhiều luật khác, nhất là Luật Khoáng sản, với các quy định liên quan đến cấp phép mỏ vật liệu.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thông qua '1 luật sửa 4 luật' liên quan đến đầu tư công và Luật đầu tư công (sửa đổi) với những quy định mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc triển khai các dự án đầu tư công theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Vốn đầu tư sau khi được các bộ, ngành, địa phương trình phê duyệt sẽ giao danh mục về cho địa phương quyết định thực hiện; địa phương được điều chỉnh từ dự án này sang dự án khác, không phải trình cấp trên, miễn là không vượt tổng mức vốn giao cho địa phương. Vốn chương trình mục tiêu cũng đổi mới theo hướng này. Như vậy, sẽ không mất nhiều thời gian, dự án sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả giải ngân.
Theo nhận định của các chuyên gia các đột phá về thể chế tại Luật đầu tư công (sửa đổi) trong năm nay chưa có tác dụng và cần phải chờ hiệu lực của các luật. Hy vọng, năm 2025 khi các luật đi vào cuộc sống sẽ phát huy hiệu quả, hiệu lực giải quyết các ‘điểm nghẽn’ còn tồn tại.
Còn trong năm nay, các chuyên gia nhìn nhận: Chỉ còn 1 tháng để các bộ ngành đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, đây là nhiệm vụ rất thách thức.
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho rằng để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2024 đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Bộ Tài chính mong muốn các bộ, ngành với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2024.
Thực tế, hiện nay nhiều địa phương chủ đầu tư, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình nhằm giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch. Đặc biệt, nhiều địa phương đã mạnh dạn điều chuyển vốn từ những công trình, dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng tới kế hoạch giải ngân sang các công trình, dự án vượt tiến độ, có nhu cầu bổ sung vốn trong năm, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch năm 2024.
Thanh Hoa