Ngày 29/11, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với pin và mô-đun năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Động thái này là một cú sốc lớn đối với ngành công nghiệp năng lượng mặt trời tại Việt Nam, nơi vốn đã trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng cho các sản phẩm này ở khu vực Đông Nam Á.
Giá trị xuất khẩu bị đe dọa
Trong số các quốc gia bị ảnh hưởng, Việt Nam chịu một trong những mức thuế cao nhất. Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam có thể lên đến 271,28%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 125,37% dành cho Campuchia, 77,85% cho Thái Lan và 21,31% cho Malaysia.
Xưởng sản xuất của Trina Solar tại tỉnh Bắc Giang. |
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia cung cấp lượng lớn các tế bào và mô-đun quang điện silicon tinh thể cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với mức thuế mới này, các nhà sản xuất lớn tại Việt Nam như bao gồm Công ty TNHH JA Solar Việt Nam, Công ty TNHH Jinko Solar (Việt Nam), Công ty TNHH Công nghệ Boviet Solar và Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Mặt trời Trina phải đối mặt với mức thuế dao động từ 53,19% đến 56,4%. Cụ thể, Jinko Solar và Trina Solar phải đối mặt với mức thuế lần lượt là 56,51% và 54,46% cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, các nhà xuất khẩu Việt Nam không được nêu rõ trong danh sách chịu mức thuế cao kỷ lục lên tới 271,28%.
Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm năng lượng mặt trời từ Việt Nam sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn đáng kể tại thị trường Hoa Kỳ, vốn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo Việt Nam.
Những mức thuế này được đưa ra sau khi một nhóm công ty, bao gồm Hanwha Qcells và First Solar của Hàn Quốc, đệ trình cáo buộc rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đã sử dụng các cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, để né thuế quan của Hoa Kỳ.
Tim Brightbill, cố vấn pháp lý của nhóm đệ đơn, nhấn mạnh: “Những mức thuế này giúp bảo vệ hàng tỷ đô la đầu tư vào sản xuất năng lượng mặt trời mới tại Hoa Kỳ và chuỗi cung ứng trong nước, đồng thời giải quyết nhiều năm thương mại không công bằng đã làm suy yếu ngành sản xuất và việc làm của Mỹ”.
Đây là một phần trong chiến dịch của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc các công ty Trung Quốc sử dụng các cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, để "né thuế" chống bán phá giá đã áp dụng từ 12 năm trước. Hoa Kỳ cáo buộc rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đã tận dụng các quốc gia Đông Nam Á để xuất khẩu sản phẩm giá rẻ, gây tổn hại đến ngành sản xuất năng lượng mặt trời nội địa.
Quyết định này gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp Việt Nam, vốn đã coi Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu chiến lược. Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, khoảng 80% lượng nhập khẩu năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ, tương đương 15 tỷ USD vào năm 2023, đến từ bốn quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam chiếm tỷ trọng đáng kể.
Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Tuy nhiên, quyết định áp thuế của Hoa Kỳ đã đặt ngành này trước những thách thức lớn.
Nguy cơ mất thị trường
Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam về sản phẩm năng lượng mặt trời. Việc áp thuế chống bán phá giá với mức cao khiến giá thành sản phẩm tăng đáng kể, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này. Các nhà sản xuất buộc phải cân nhắc việc chuyển phần lớn chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng hoặc chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để duy trì vị thế.
Là một điểm đến quan trọng trong chiến lược sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn lớn, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất chiến lược, không chỉ cho các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn cho các tập đoàn quốc tế khác. Với sự hiện diện của các cơ sở sản xuất lớn tại Việt Nam, như của TCL Technology, Việt Nam đang giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ông Kevin Wang, Giám đốc điều hành của TCL Technology – tập đoàn có cơ sở sản xuất tại cả Mexico và Việt Nam – cho biết, các chính sách thuế bất ngờ của Trump có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, nhưng ông nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp như TCL không nên quá lo lắng trước những đe dọa chính trị liên tục thay đổi.
“Chúng tôi đã nghiên cứu và chuẩn bị cho những thay đổi này từ lâu,” ông Wang nói. “Bất kể những tuyên bố hay chính sách có thể xảy ra, chúng tôi không nghĩ rằng chúng sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến mức không thể kiểm soát.”
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của TCL, nơi công ty này xuất khẩu các sản phẩm chính như tivi, máy giặt và tấm pin mặt trời. Việc có nhà máy sản xuất tại Việt Nam không chỉ giúp TCL tận dụng chi phí sản xuất thấp mà còn mở ra cơ hội giảm thiểu tác động từ các chính sách thuế quan cứng rắn.
Ông Wang thừa nhận rằng mức độ khả thi của việc đầu tư vào Hoa Kỳ phụ thuộc vào từng ngành công nghiệp. Ông chỉ ra rằng trong các ngành như điện tử tiêu dùng, việc xây dựng nhà máy lắp ráp tại Hoa Kỳ có thể không hiệu quả về mặt chi phí so với duy trì sản xuất tại các quốc gia như Việt Nam.
“Tình hình luôn thay đổi, và trong một số ngành, đầu tư vào Hoa Kỳ có thể trở nên cần thiết. Tuy nhiên, với những lợi thế hiện có, chúng tôi vẫn tập trung theo dõi sát sao các thay đổi chính sách để đưa ra quyết định tối ưu,” ông Wang nhận định.
Theo các nhà phân tích, mức thuế mới sẽ khiến các nhà sản xuất Việt Nam phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: chuyển chi phí tăng thêm cho khách hàng hoặc chấp nhận cắt giảm biên lợi nhuận. Cả hai lựa chọn đều tiềm ẩn rủi ro làm mất thị phần hoặc ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động sản xuất.
Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất Việt Nam có thể mất thị phần vào tay các đối thủ từ các quốc gia khác như Lào và Indonesia, nơi chưa bị áp thuế cao. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt và nguy cơ mất thị phần tại thị trường Mỹ là rất lớn.
Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng mức thuế cao có thể đẩy các nhà nhập khẩu tại Hoa Kỳ tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các khu vực khác, làm giảm cơ hội của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quyết định của Hoa Kỳ không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn tác động đến toàn bộ khu vực Đông Nam Á, vốn đã trở thành điểm đến chính của các công ty Trung Quốc. Điều này tạo áp lực lớn lên các nhà sản xuất tại khu vực, trong đó Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ cao do mức thuế áp dụng lớn nhất.
Quyết định cuối cùng của cuộc điều tra thương mại dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 4 tới và mức thuế được đánh giá sơ bộ có thể được tăng, giảm hoặc bác bỏ hoàn toàn sau cuộc điều tra.
Thùy Linh