Bộ Tài chính cho biết, dự kiến hết quý III, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của cả nước được gần 320.567 tỷ đồng, đạt 42,96% kế hoạch, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (đạt 47,75% kế hoạch và đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ giải ngân ước đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài Truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (100%), Ngân hàng Nhà nước (75,23%), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (70,46%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (63,12%), Long An (71,5%), Hòa Bình (68,4%), Tiền Giang (67,9%), Thanh Hóa (66,64%).
Một số bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ vốn, hoặc có tỷ lệ giải ngân rất thấp dưới 10% như Ủy ban Dân tộc (1,12%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1,35%), Đại học Quốc gia TPHCM (4,11%), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,52%), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (6,76%)...
Dự kiến đến cuối tháng 9, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của cả nước được gần 320.567 tỷ đồng, đạt 42,96% kế hoạch. |
Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như: TPHCM (21,29%), Phú Yên (22,38%), Bắc Ninh (24,48%), Kon Tum (25,62%), Kiên Giang (26,93%).
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2024, nên các bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với bình quân chung của cả nước đang chịu rất nhiều áp lực.
Năm 2024, tổng vốn đầu tư công của Hải Dương là 8.389,6 tỷ đồng, cao hơn 1.457,9 tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và tăng gần 650 tỷ đồng so với năm 2023. Tuy nhiên, đến ngày 20/9, toàn tỉnh mới giải ngân được 2.420,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 28,8% so với tổng vốn thanh toán và bằng 34,9% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Hiện vẫn còn 15 dự án cấp tỉnh quản lý chưa có số liệu giải ngân.
Tương tự, năm nay, tỉnh Bắc Ninh được Chính phủ giao 8.800 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt khoảng 28%, thấp hơn so với bình quân chung của cả nước.
Điển hình như dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh mặc dù mặt bằng đã giải phóng được hơn 97%, nhưng giải ngân khối lượng xây dựng của dự án mới đạt được 7%.
Lý giải nguyên nhân các dự án đầu tư công chậm, ông Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Bắc Ninh không có các mỏ cung cấp vật liệu, ví dụ như đất, cát đen để đắp nền, do vậy cũng không chủ động được".
Riêng với 9 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, Bộ Tài chính thông tin đang có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước, đó là cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1; dự án Vành đai 4 TP Hà Nội; dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; dự án đường Hồ Chí Minh; dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành được giao vốn đầu tư công là 101.340,21 tỷ đồng.
Đến hết tháng 8/2024, tổng số vốn giải ngân cho 9 dự án này là 42.198,74 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,6% kế hoạch. So với tỷ lệ giải ngân chung của cả nước trong 8 tháng là 36,7%, thì tỷ lệ giải ngân của 9 dự án này trong 8 tháng qua đang cao hơn 4,9%.
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho hay: "Năm nay, chúng ta vừa trải qua thiên tai rất lớn, nếu không đẩy mạnh giải ngân đầu tư công này thì cũng không tháo gỡ được những phần thiếu hụt do những thiên tai gây ra".
Các chuyên gia cho rằng hiện nay, thời tiết đã thuận lợi hơn, công tác chuẩn bị đầu tư của nhiều dự án cũng đã hoàn thiện để sẵn sàng triển khai. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng để đưa nguồn vốn đầu tư công vào các dự án công trình, thúc đẩy tăng trưởng thông qua hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm hơn.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, quan trọng nhất là đáp ứng đủ vật liệu, mỏ vật liệu, đơn giá vật liệu. Tuy nhiên, để giải quyết được những vấn đề này thì thủ tục phải rất nhanh, phải đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, của nhà thầu.
Để đạt mục tiêu của Chính phủ đặt ra là giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao, Bộ Tài chính đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ theo Quyết định số 1006/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hàng năm tại đơn vị và địa phương mình quản lý.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu.
Theo Bộ Tài chính, đối với các dự án này, các bộ, ngành, địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc.
Thanh Hoa