Trong báo cáo kinh tế vĩ mô, những tác động do chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đối với kinh tế Việt Nam, công ty chứng khoán VNDIRECT nhận định chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có khả năng gây ra chiến tranh thương mại giữa các siêu cường, gây ra tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu.
Các chuyên gia đưa ra 3 kịch bản tác động đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam. Trong kịch bản cơ sở, Trung Quốc bị áp thuế 60% và các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế 10-20%. Giả sử tất cả các yếu tố khác không đổi, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức 8% so với cùng kỳ năm 2024. Ngay cả khi ông Trump áp dụng mức thuế phổ thông 10-20% lên các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ (ngoài Trung Quốc), việc Việt Nam có lợi thế về chênh lệch thuế quan với Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam ít nhất giữ được thị phần trong rổ hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính cho GDP Việt Nam năm 2025. |
Với kịch bản tích cực, Trung Quốc bị áp thuế 60% và không áp dụng thuế quan phổ thông, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ vượt 8%, được củng cố bởi chênh lệch thuế đáng kể so với Trung Quốc, cùng với lợi thế cạnh tranh về vị trí chiến lược, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, chi phí nhân công và lực lượng lao động dồi dào.
Cuối cùng, ở kịch bản tiêu cực, Trung Quốc bị áp thuế 60%, các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế 10-20% và Việt Nam bị áp thuế bổ sung. Ở kịch bản này, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ giảm đáng kể so với mức kỳ vọng 8%.
"Tác động tiêu cực có thể sẽ không chỉ đến từ việc bị áp thêm thuế, mà còn đến từ rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại tăng lên. Cùng lúc đó, Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh giành thị phần tại thị trường Mỹ từ các nước xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh tương tự. Mức độ nghiêm trọng của tác động sẽ phụ thuộc vào từng loại mặt hàng xuất khẩu, mức thuế suất hiện hành và thời điểm bị áp thuế", VNDIRECT cho hay.
Việt Nam đặt mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,5-7% trong năm 2025 và phấn đấu mức 7-7,5%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dư địa chính sách tài khóa vẫn còn dồi dào do nguồn thu ngân sách nhà nước được cải thiện đáng kể trong năm 2024, cho phép Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng như giảm thuế phí để hỗ trợ tiêu dùng nội địa.
“Nhìn chung, chúng tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng ổn định trong năm 2025 dựa trên những nội lực đã được củng cố trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 xuống 6,6% từ mức trước đó là 6,9% để phản ánh các tác động tiêu cực của việc gia tăng các chính sách bảo hộ thương mại trên phạm vi toàn cầu và diễn biến mạnh lên của đồng USD”, báo cáo cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, chia sẻ dự báo trong bối cảnh “Trump 2.0”, trong đó nhấn mạnh đến hai kịch bản về mức độ ảnh hưởng. Trong trường hợp ảnh hưởng ở mức vừa thì tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,8% trong năm 2025, nếu ảnh hưởng tiêu cực hơn thì con số còn 5,6%.
Cụ thể hơn, theo báo cáo của Dragon Capital, kịch bản tăng trưởng tốt trong năm 2025 phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu với dự báo tăng 11,7% cao hơn ước tính 9,8% của năm 2024. Ngược lại, trong kịch bản xấu thì xuất khẩu có thể giảm 1%, chưa kể trụ cột đầu tư quan trọng là đầu tư nước ngoài (FDI) cũng suy giảm.
Lo ngại thương mại quốc tế một phần đến từ việc Việt Nam duy trì thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico, cũng như diễn biến dòng vốn FDI từ Trung Quốc ngày càng tăng và nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây.
Cũng cho rằng xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính cho GDP Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định triển vọng năm 2025 có thể không được duy trì như năm nay vì thị trường thế giới hạ nhiệt và ẩn số chính quyền mới của Mỹ. Theo ông Hùng, lo ngại về việc áp đặt hạn chế thương mại vẫn chưa rõ ràng, nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới thương mại thế giới.
Trong báo cáo vừa phát hành, ngân hàng UOB duy trì dự báo tăng trưởng cả năm 2024 của Việt Nam ở mức 6,4%, với dự báo kết quả tăng trưởng quý IV năm 2024 đạt mức 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Đối với năm 2025, ngân hàng UOB dự đoán tốc độ tăng trưởng là 6,6%.
Theo UOB, Quốc hội Việt Nam đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7,0% cho năm 2024 và 6,5-7,0% cho năm 2025, trong khi nỗ lực để đạt mức 7,0-7,5%. Tuy nhiên, với việc Hoa Kỳ chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Tổng thống Trump, khả năng căng thẳng thương mại toàn cầu và các rủi ro có thể sớm xuất hiện.
Một rủi ro chính cần lưu ý là các hạn chế thương mại tiềm tàng đối với Việt Nam, vì thâm hụt thương mại hàng năm của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng vọt hơn 2,5 lần từ 39,5 tỷ đô la Mỹ năm 2018 lên gần 105 tỷ đô la Mỹ năm 2023.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, Công ty quản lý quỹ VinaCapital, cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn ở mức tích cực vì mục tiêu thực sự là Trung Quốc chứ không phải Việt Nam, ngoài ra Mỹ còn vướng phải câu chuyện lạm phát.
"Ngay trong trường hợp Mỹ áp thuế toàn diện, ví dụ như 5-10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn sẽ giữ được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác về dòng vốn FDI", đại diện VinaCapital bình luận.
Thanh Hoa