Trước những diễn biến nóng của thị trường xăng dầu thời gian qua, dự kiến ngày 28/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý về xăng dầu.
Doanh nghiệp ‘gửi gắm’ gì tới các Bộ trưởng?
Theo đó, 2 Bộ quản lý chính về hoạt động kinh doanh xăng dầu là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc giải trình về các vấn đề liên quan đến việc quản lý nhà nước về xăng dầu và tình hình thị trường xăng dầu trong thời gian qua.
Phiên giải trình về thị trường xăng dầu nhận được sự quan tâm đông đảo của doanh nghiệp. |
Nhiều doanh nghiệp (DN) xăng dầu cho biết đã nhận được giấy mời của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để trực tiếp tham dự phiên giải trình này. Cộng đồng DN kỳ vọng phiên giải trình sẽ giúp cơ quan quản lý lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN để tháo gỡ các khó khăn.
Nhiều DN đã chuẩn bị câu hỏi chất vấn các Bộ trưởng, trong đó liên quan trực tiếp tới các góp ý sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.
Đại diện một DN bán lẻ xăng dầu ở Lâm Đồng - ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đã chuẩn bị các nội dung để chất vấn, trong đó tập trung vào câu chuyện mức chiết khấu 0 đồng do cơ chế điều hành, chưa quy định chi phí ở 3 khâu khiến DN bán lẻ thua lỗ và đặt câu hỏi cho Bộ Công Thương về giải quyết những bất công trên. Quyền lợi của DN bán lẻ xăng dầu cần được đảm bảo và cần được Nhà nước bảo hộ, theo đó Nhà nước nên xem xét quy định chiết khấu tối thiểu 5-6% trên giá bán lẻ.
Trong khi đó, đại diện một thương nhân phân phối xăng dầu nhìn nhận việc khan hiếm xăng dầu trên thị trường thời gian qua là do giá dầu thế giới có nhiều biến động nên các thương nhân đầu mối nhập xăng dầu với giá cao, nhưng giá bán lẻ lại do Nhà nước quy định. Do bị lỗ nên các thương nhân đầu mối phải nhập hàng về ít dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu trong thời gian vừa qua.
Vị này dẫn chứng trong thực tiễn kinh doanh, đã có nhiều DN kinh doanh xăng dầu phải “mua lúa non” của các đầu mối nhập khẩu (tạm ứng cho các đầu mối nhập xăng dầu về rồi bán lại cho mình mà chưa biết chu kỳ điều hành giá sắp tới là bao nhiêu, nếu giá giảm thì rủi ro chịu lỗ sẽ rất cao). Điều đó chứng tỏ các thương nhân phân phối là những nhà đầu tư mạnh, có nguồn lực tài chính cao, chứ không phải là một khâu trung gian mua bán hàng.
“Nếu khống chế việc mua xăng dầu của thương nhân phân phối sẽ ảnh hưởng đến việc tạo nguồn, chủ động nguồn cung và chưa đảm bảo tính cạnh tranh… Ngoài ra còn phát sinh thêm các hệ lụy không đáng có làm mất đi tính cạnh tranh công bằng và bình đẳng”, vị này nhấn mạnh.
Không chạy theo vấn đề ‘hiện tượng, cá biệt’
Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ trưởng Công Thương, nêu rõ Chính phủ yêu cầu không thể chậm trễ trong việc sửa đổi Nghị định.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc sửa đổi Nghị định phải tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc những phát sinh thời gian qua.
Chính vì vậy, những giải trình của Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Tài chính sẽ càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Ông Đỗ Huy Trung, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực có tính chất quan trọng, rất phức tạp tác động lớn đến nhiều đối tượng và xã hội, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan hữu quan cần có sự phối hợp chặt chẽ (nhất là đối với Bộ tài chính), tiếp tục nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến đối với các đối tượng bị tác động trực tiếp và mở các cuộc họp, hội nghị lấy ý kiến để tiếp thu hoàn thiện trình Chính phủ xem xét ban hành theo tiến độ.
“Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án và lựa chọn phương án 1 là không quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu mà để các DN (cung cấp và bán lẻ) tự thỏa thuận với nhau. Phương án này ngoài những điểm tích cực nhưng cũng cần tính đến việc bắt chẹt giữa DN cung cấp và DN bán lẻ…”, ông Trung đánh giá.
Đồng thời, Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, thời gian công bố giá xăng dầu càng ngắn thì bảo đảm tính chính xác, giá sát thị trường càng cao, càng minh bạch. Nếu tăng cường sự đầu tư (con người, phương tiện…) của cơ quan quản lý có thẩm quyền thì thời gian công bố giá mỗi tuần 2 lần là tốt nhất.
Trước sức nóng của việc sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trần tình những khó khăn ở cương vị đơn vị soạn thảo sửa đổi Nghị định. Theo ông, Nghị định 95 mất 2,5 năm để sửa, trải qua nhiều thảo luận, xin ý kiến, trải qua bao nhiêu cuộc họp, nhiều vấn đề hiện nay cũng đã được nêu ra từ lần sửa Nghị định 95 như bỏ hay giữ Quỹ Bình ổn giá, rút ngắn thời gian điều hành giá, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, trách nhiệm dự trữ của thương nhân phân phối, cách thức điều hành…
Tuy nhiên, ông Đông cho rằng chưa bao giờ giá xăng dầu, nguồn cung biến động mạnh như năm vừa qua. Nếu những năm trước, giá xăng dầu biến động theo “hình sin”, thì năm 2022 biến động theo hình parabol: 6 tháng đầu năm dựng đứng, 6 tháng cuối năm giảm mạnh… đặt ra thách thức trong việc quản trị rủi ro khi kinh doanh, cơ quản lý nhà nước cần điều hành linh hoạt.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, đây là điều giúp cơ quan nhà nước tư duy lại cách điều hành. “Mỗi phương án lựa chọn có ưu, nhược điểm; có phương án phù hợp với thời điểm này nhưng không phù hợp thời điểm khác. Do vậy, chính sách phải có tính dài hơi, tuân thủ quy luật khách quan, không chạy theo vấn đề hiện tượng, cá biệt. Chúng tôi sẽ lắng nghe, cầu thị, mong muốn phản biện từ nhà khoa học, DN… làm sao có thị trường xăng dầu đảm bảo an ninh năng lượng và cạnh tranh”, ông Đông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Tiến Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Việc xác định mức chiết khấu của bán lẻ xăng dầu chịu sự tác động và phụ thuộc vào mức chiết khấu của cả hệ thống, số lượng khâu trung gian trong phân phối kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra còn phụ thuộc vào cung cầu thị trường, do vậy cần xem xét nghiên cứu quy định về cơ chế thù lao tối thiểu. Ông Nguyễn Anh Toàn Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) Khi mà giá bán phản ánh đầy đủ các chi phí tạo nguồn, từ giá mua, chi phí bán lẻ, chi phí vận chuyển, cùng các chi phí phát sinh khác thì mặc nhiên khâu bán lẻ sẽ có mức chiết khấu. Nếu chúng tôi nhập về còn cao hơn cả giá bán ở cây xăng thì chúng tôi lấy nguồn lực ở đâu để chiết khấu cho khâu bán lẻ? Ông Giang Chấn Tây Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) Tôi kỳ vọng phiên giải trình với tinh thần trao đổi, xây dựng và hiểu lẫn nhau. Chúng tôi muốn các trưởng ngành quản lý về xăng dầu biết những bất ổn của thị trường xăng dầu hiện nay như thế nào. Chúng tôi cũng sẽ trình bày các mong muốn của mình và cùng các Bộ trưởng tháo gỡ để đi đến điểm chung của sự hài hòa lợi ích. |
Nhật Linh