15 giờ chiều ngày 21/2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Cơ quan điều hành thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 600 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (như kỳ trước); các mặt hàng khác không trích lập. Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu (như kỳ trước).
Giá xăng tăng lần thứ 3 liên tiếp. |
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG, xăng E5RON92 giảm 327 đồng/lít, không cao hơn 22.542 đồng/lít; Xăng RON95-III giảm 324 đồng/lít, không cao hơn 23.443 đồng/lít.
Dầu diesel 0.05S giảm 756 đồng/lít, không cao hơn 20.806 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 748 đồng/lít, không cao hơn 20.846 đồng/lít. Ngược lại, Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 615 đồng/kg, không cao hơn 14.251 đồng/kg.
Giá xăng có lần giảm đầu tiên kể từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. |
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 13/02/2023-21/02/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: thị trường ghi nhận thông tin nguồn cung dầu đang được cải thiện; tác động của lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga; triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn…; các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu điêzen, tăng đối với mặt hàng dầu mazut, các mặt hàng xăng biến động ít.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 13/02/2023 và kỳ điều hành ngày 21/02/2023 là: 96.853 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 0,158 USD/thùng, tương đương giảm 0,16% so với kỳ trước); 100.277 USD/thùng xăng RON95 (tăng 0,04 USD/thùng, tương đương tăng 0,04% so với kỳ trước); 105,952 USD/thùng dầu hỏa (giảm 5,362 USD/thùng, tương đương giảm 5,06% so với kỳ trước); 103,118 USD/thùng dầu điêzen (giảm 4,920 USD/thùng, tương đương giảm 4,77% so với kỳ trước); 414,875 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 29,586 USD/tấn, tương đương tăng 7,13% so với kỳ trước).
Thời gian gần đây, việc sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là có nên quy định mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ hay không.
Trong khi các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị cần có mức chiết khấu tối thiểu 5-6% giá bán lẻ xăng dầu. Đây được coi là công cụ để thị trường ổn định trong mọi biến động của giá dầu thế giới. Ngược lại, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT lại không đồng tình với đề xuất trên.
Góp ý sửa đổi Nghị định mới đây, Bộ KH&ĐT đồng tình với Bộ Công Thương là không quy định mức chiết khấu tối thiểu để đảm bảo quyền tự quyết và điều chỉnh linh hoạt, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, giảm sự can thiệp của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặt khác, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá về tính khả thi đối với các phương án cho phép/không cho phép đại lý nhập hàng từ nhiều nguồn, cơ sở pháp lý điều chỉnh tương ứng mà vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc… của cơ quan quản lý nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thy Lê