Bộ KH&ĐT vừa có văn bản phúc đáp Bộ Công Thương về góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2024/NĐ-CP ngày 039/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo Bộ KH&ĐT, không quy định mức chiết khấu tối thiểu trong bán lẻ xăng dầu để đảm bảo quyền tự quyết và điều chỉnh linh hoạt thị trường trong từng giai đoạn. |
Theo đó, Bộ KH&ĐT cho rằng cần tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong quá trình kinh doanh; rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định các chi phí để có cơ sở điều chỉnh kịp thời.
Đáng chú ý, liên quan tới vấn đề quy định mức chiết khấu - nóng nhất thời gian vừa qua, Bộ KH&ĐT đồng tình với Bộ Công Thương là không quy định mức chiết khấu tối thiểu để đảm bảo quyền tự quyết và điều chỉnh linh hoạt, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, giảm sự can thiệp của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặt khác, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá về tính khả thi đối với các phương án cho phép/không cho phép đại lý nhập hàng từ nhiều nguồn, cơ sở pháp lý điều chỉnh tương ứng mà vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc… của cơ quan quản lý nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Về đầu mối quản lý đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung; đồng thời tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính - cơ quan trực tiếp được đề xuất giao chủ trì để thống nhất trước khi trình Chính phủ phương án ai sẽ quản lý điều hành giá xăng dầu.
Bộ KH&ĐT cho rằng, tại Tờ trình số 10122/TTr-BCT ngày 29/12/2020 về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, nội dung về cơ chế phối hợp điều hành xăng dầu, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu và là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá đối với một số mặt hàng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Bộ KH&ĐT dẫn tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/01/2022 đến nay là hơn 1 năm, nội dung quản lý xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất chuyển nhiệm vụ điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, trong dự thảo Tờ trình của Bộ chưa nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc trong điều hành giá xăng dầu trong năm; chưa đánh giá về sự phù hợp của kiến nghị với các quy định pháp lý hiện hành, tác động tới công tác quản lý mặt hàng xăng dầu.
Với việc vận hành sử dụng quỹ bình ổn, Bộ KH&ĐT đồng ý với phương án tiếp tục giữ nguyên công cụ này, nhưng sẽ sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng trên cơ sở đánh giá và làm rõ căn cứ đề xuất. Cụ thể, cơ quan nhà nước chỉ can thiệp điều hành giá khi giá xăng dầu có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.
Với đề xuất giảm thời gian dự trữ lưu thông bắt buộc, Bộ KH&ĐT đồng tình phương án đề xuất của ban soạn thảo là giữ nguyên quy định hiện hành. Tức là thương nhân đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông bắt buộc trong 20 ngày và thương nhân phân phối là 5 ngày để giảm áp lực cho ngân sách.
Lê Thúy