Một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã đề xuất kiến nghị trên tại Hội nghị Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ - CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu mới đây.
Chi phí vận chuyển đắt đỏ, cộng thêm chiết khấu 0 đồng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khó khăn. |
Cụ thể, ông Vũ Đức Cường, Đại diện Công ty TNHH Cường Phú, cho biết doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Giang, tỉnh nghèo của cả nước. Công ty có 5 cửa hàng kinh doanh và lỗ gần 2 tỷ đồng trong năm 2022.
Ông Cường cho hay, do địa hình chia cắt, chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho tới cửa hàng rất lớn. Khi thương nhân đầu mối cho chiết khấu về 0 đồng, công ty ông Cường chở hàng từ kho Việt Trì về đến Hà Giang lỗ chi phí vận chuyển hàng hoá, chi phí vận hành.
“Là người đứng trong hệ thống kinh doanh bán lẻ sẽ hiểu nỗi niềm kinh doanh xăng dầu khổ thế nào, khó như thời bao cấp. Có thời điểm, người mua hàng nói tạo điều kiện bơm một can xăng giúp họ nhưng chúng tôi không có hàng", ông Cường chia sẻ.
Lần đầu tiên, "doanh nghiệp bán lẻ phải đứng lên vì chúng tôi không chịu được nữa, phải làm đơn xin nghỉ vì vỡ nợ. Năm vừa qua, doanh nghiệp bán lẻ không được một phần trong miếng bánh xăng dầu, mà còn bù lỗ, bỏ thêm tiền để chở hàng về”, vị này cho biết.
Từ thực tế trên, ông Cường kiến nghị, cần có giá cho vùng 3 theo hỗ trợ chính sách của xã, khu vực nghèo, hải đảo. Theo đó, giá vùng 3 được đội giá thêm 2%. Nhiều người nói rằng, nếu vậy thì giá sẽ 'đội cao hơn' nhưng như vậy sẽ không còn cảnh người dân đi từ xã vùng sâu về trung tâm huyện mua xăng dầu mà không có hàng.
"Ai đã đến Hà Giang đều biết, có 4 huyện vùng cao khó khăn nhất thì chỉ có trung tâm huyện mới có cửa hàng xăng dầu, cứ ngày cuối tuần bà con chở can từ các xã lũ lượt đi mua xăng dầu, bà con cực kỳ khổ", vị đại diện này chia sẻ.
Bàn về bất cập của thị trường xăng dầu, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở tư duy điều hành giá, Nhà nước quyết định giá bán cuối cùng.
Nguyên Viện trưởng Viện CIEM khẳng định, chúng ta đã xóa bỏ bao cấp về xăng dầu nên các chi phí đều đẩy vào giá bán trong nước. Do vậy, việc nói cơ quan nhà nước không quản lý xăng dầu sẽ xảy ra lạm phát là phi lý, thiếu cơ sở. Thậm chí, nhà nước quản lý thị trường còn khiến tăng thêm chi phí, gồm chi phí lưu thông bắt buộc, quỹ bình ổn, bộ máy điều hành…
“Nếu Chính phủ lo xăng dầu tác động đến lạm phát thì hãy miễn, giảm các loại thuế, phí. Điều này sẽ có tác dụng hơn nhiều so với những gì chúng ta đang làm. Nghĩa là hãy để cho thị trường quyết định giá xăng dầu”, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Để nói về tự do hóa thương mại, nguyên Viện trưởng CIEM dẫn chứng về mặt hàng gạo. Trước khi tự do hóa, Nhà nước cũng lo nhiều lắm, lo tình trạng đầu cơ tích trữ gạo đẩy giá lên cao, người dân không mua được gạo… nhưng tự do hóa rồi, người dân không những đủ ăn, mà Việt Nam còn trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Do vậy, ông Cung kỳ vọng tự do thương mại với mặt hàng xăng dầu cũng sẽ diễn ra tương tự.
“Nếu Nhà nước có lo thì hãy lo cho nhóm người nghèo không tiếp cận được xăng dầu và tìm cách hỗ trợ trực tiếp cho họ, đó là cách không làm méo mó thị trường”, chuyên gia Nguyễn Đình Cung nói.
Thy Lê