Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, hiện nay, Bộ đang nỗ lực làm việc với phía cơ quan chức năng của Trung Quốc để mở lại giao thương qua các cửa khẩu, song phía Trung Quốc vẫn chưa có trả lời chính thức.
Giá thanh long có nơi xuống 2.000 - 4.000 đồng/kg
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, đến giờ phút này, tất cả giải pháp để nối lại giao thương đã được phía Việt Nam thực hiện. Vì vậy, tại Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long sáng ngày 6/1, đại diện Bộ NN&PTNT muốn lắng nghe thêm các ý kiến của Tham tán thương mại ở nước ngoài, doanh nghiệp, địa phương về giải pháp để khơi thông thị trường thanh long.
Trái thanh long tìm kiếm thêm thị trường mới, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. |
"Chúng ta không thụ động ngồi đợi phía Trung Quốc nữa, mà cần chủ động để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của mình tới các thị trường khác", ông Nam nêu vấn đề.
Tình thế tiêu thụ thanh long hiện nay đang trở nên rất cấp bách. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sản lượng thanh long của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng này lại không phân bố đều. Cụ thể, quý I khoảng 300.000 tấn, quý II khoảng 150.000 tấn, quý III khoảng 400.000 tấn và quý IV khoảng 500.000 tấn. Như vậy, quý IV và I tập trung khoảng 60% sản lượng. Điều đó có nghĩa sức ép tiêu thụ thanh long trong thời gian tới là rất căng thẳng.
Thanh long được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh: Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước.
Đại diện tỉnh Bình Thuận, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, giai đoạn 3 tháng đầu năm luôn là lúc tỉnh tập trung nhân lực, nguồn lực để sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển, chế biến thanh long. Dự kiến, trong quý I/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.
Trên địa bàn tỉnh, các thương lái đang thu mua chậm, thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đồng/kg.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, quy định cao. Chính vì vậy bên phía Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 hiện nay. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy “quá phụ thuộc vào một thị trường” sang tư duy “đa dạng thị trường”.
Ông Tấn kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, và các Bộ, ban, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ tiêu thụ, vận chuyển thanh long cho Bình Thuận. Trước mắt, Sở NN&PTNT tỉnh định hướng doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, đẩy mạnh chế biến sâu, bảo quản đông lạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết, tỉnh đang chuẩn bị thu hoạch thanh long từ bây giờ đến Tết Nguyên đán, ước lượng 26.000 tấn, giá thành khoảng 15.000 đồng/kg. Chủ yếu thanh long được bán cho thị trường Trung Quốc, tuy nhiên do dịch bệnh nên các đường biên gần như đóng cửa hoàn toàn.
Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An đưa ra một số kiến nghị: Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan chức năng bên phía Trung Quốc đảm bảo thực hiện đúng hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước để các hoạt động được diễn ra liên tục và ổn định. Nếu có thay đổi về chính sách cần được thông báo ít nhất trước 15 ngày để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị.
Đưa thanh long Việt đến khách sạn 5 sao, đám cưới... của Ấn Độ
"Người Ấn Độ có thói quen ăn trái cây nhiều, ăn cả ngày, chứ không ăn sau bữa ăn giống như Việt Nam. Hơn nữa, trái thanh long còn được xem là đặc sản ở nước này nên hay sử dụng trong các khách sạn 5 sao, lễ hội, việc trọng đại như đám cưới. Nếu đạt chất lượng cao, con đường của thanh long Việt ở thị trường này rất rộng mở"
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ
Trước thực trạng trên, rõ ràng việc tìm thị trường mới cho trái thanh long không thể chậm trễ hơn. Theo bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market, bắt đầu từ ngày 7/1 đến Tết Nguyên đán, MM Mega Market sẽ triển khai chương trình tiêu thụ sản phẩm thanh long từ các tỉnh miền Tây tại 21 trung tâm trên toàn quốc với mức giá bán không lợi nhuận.
Thanh long sẽ được dành riêng một khu vực để trưng bày và được bố trí tại nơi có lưu lượng khách hàng nhiều nhất để tiêu thụ. Bên cạnh đó, triển khai chương trình "truck-sell“, bán hàng trên xe tải ngay trong khuôn viên MM để khách hàng dễ dàng tiếp cận.
Với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho hay, cần phải chuyển đổi phương thức vận chuyển bằng đường biển.
Ông Huy chia sẻ: bên phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ chứ không xuất theo đường biển. Từ đó dẫn tới việc khó khăn trong xuất khẩu thanh long hiện nay do Trung Quốc thực hiện “Zero COVID”.
Theo đó, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit lưu ý các doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề thiếu vỏ container để chuyển sang hình thức xuất khẩu qua đường biển. Bên cạnh đó, các đơn vị cần khắc phục vấn đề có virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng.
Đồng thời, giải pháp bền vững nhất là cần phải đẩy mạnh đa dạng thị trường xuất khẩu cho trái thanh long. Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho hay, hàng năm Ấn Độ nhập khẩu 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam…. Năm 2019-2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước, ở mức hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD. Năm 2020-2021, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước do tác động của dịch COVID-19.
Tuy vậy, ông Thướng cũng cho biết, cơ hội xuất khẩu trái thanh long sang thị trường Ấn Độ là rất lớn. Người Ấn Độ có thói quen ăn trái cây nhiều, ăn cả ngày, chứ không ăn sau bữa ăn giống như Việt Nam. Hơn nữa, trái thanh long còn được xem là đặc sản ở nước này nên hay sử dụng trong các khách sạn 5 sao, lễ hội, việc trọng đại như đám cưới. Nếu đạt chất lượng cao, con đường của thanh long Việt ở thị trường này rất rộng mở.
Tương tự, ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, nông sản từ châu Á được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu. Thanh long đang dần trở thành một mặt hàng như vậy, đặc biệt tại Hà Lan.
Theo ông Nguyễn, mua thanh long ở Hà Lan không dễ, nhất là với người bản địa tại châu Âu. Giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g. Sở dĩ, giá thanh long cao như vậy là bởi chi phí vận chuyển, logistics từ các vùng trồng.
Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu. Ngoài Việt Nam, Hà Lan còn nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc, Nam Phi, Ecuador và một số thị trường khác. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn, và tai không dài quá 1,5cm.
"Trong tình thế hiện nay, tất các các đơn vị cần đồng hành, phối hợp cùng tháo gỡ khó khăn cho nông sản Việt", Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn các Tham tan thương mại nhanh chóng hỗ trợ để tìm đầu mối tiêu thụ cho trái thanh long.
Với các cơ quan chức năng trong nước, Thứ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cũng cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những phương án, giải pháp phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn ngay tại địa phương cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp các vùng, địa phương khác cũng đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân.
Lê Thúy