TS Trần Hữu Hiệp, Giảng viên Đại học FPT cho rằng, nhìn tổng thể từ đầu vào đến đầu ra, nông nghiệp nước ta vẫn còn phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Phải thừa nhận quốc gia này vẫn là một thị trường lớn, một bạn hàng truyền thống mà nhiều doanh nghiệp chưa thể từ bỏ. Vì thế mà chỉ cần "tắc biên", hàng loạt doanh nghiệp, nông dân lại như ngồi trên lửa.
Vòng luẩn quẩn tắc đầu ra
Theo nhiều thương lái và chủ vựa, trái cây ở miền Tây hiện nay đang vào chính vụ. Chẳng hạn, thống kê của Cục Trồng trọt, trong 3 tháng đầu năm 2022, dự kiến có khoảng 300 nghìn tấn thanh long cần kết nối tiêu thụ tại các tỉnh Long An, Bình Thuận, Tiền Giang… Chưa kể, nhiều loại trái cây khác như: chuối, mít, xoài, chanh leo đang vào mùa thu hoạch tại nhiều địa phương cũng đang gặp khó khi không xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc. Với sản lượng trái cây lớn như hiện nay, trong nước không thể nào ăn hết được, dự báo trong tương lai gần sẽ lại là những cuộc giải cứu.
Xuất khẩu nông sản chủ yếu qua đường tiểu ngạch dẫn đến nguy cơ rủi ro cao cho doanh nghiệp Việt. |
Trước thực tế trên, ngay trong những ngày đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã khởi động gấp rút chiến dịch tuyên truyền "Người Việt hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt" dịp cận Tết nhằm hỗ trợ bà con, thương lái tiêu thụ nông sản.
Hàng loạt các siêu thị như: BRGMart, Hanoi Co.opmart… cam kết đưa sản phẩm như thanh long, xoài, mít, dưa hấu vào mạng lưới cửa hàng của họ trên cả nước, bán với mức giá không lợi nhuận từ nay đến Tết Nguyên đán, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trên kênh online.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Hanoi Co.opmart, đơn vị luôn sẵn sàng phối hợp với đối tác để tiêu thụ hàng nông sản cho bà con nông dân và hỗ trợ giá tốt nhất cho người tiêu dùng.
"Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh, thành để hỗ trợ, phân phối các mặt hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi không tiêu thụ được hoặc khó tiêu thụ do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và siết chặt biên giới”, bà Dung nói.
Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) hiện mỗi ngày thu mua từ 100 - 150 tấn nông sản các loại, đặc biệt là xoài từ các cửa khẩu phía Bắc, để phục vụ cho dây chuyền chế biến của họ, cam kết sẵn sàng thu mua chuối, chanh leo, dứa nếu hàng đảm bảo chất lượng.
Thống kê sơ bộ của Cục Hải quan Lạng Sơn, đến sáng 5/1/2022, tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma vẫn còn tồn trên 2.000 xe hàng hóa, trong đó có khoảng 1.500 xe hoa quả. Trong khi, năng lực thông quan xuất khẩu ở cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma khoảng 100 xe/ngày. Vì vậy, Hải quan Lạng Sơn thông báo các doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng hóa lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo nhận định của các doanh nghiệp bán lẻ, thị trường trong nước bước vào mùa mua sắm cuối năm, nhu cầu lương thực thực phẩm được dự báo sẽ tăng từ 10 - 15%. Đây chính là cơ hội để nông sản khó xuất khẩu có thể được tiêu thụ vào thị trường trong nước, giảm thiểu rủi ro cho bà con và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Giải cứu đến bao giờ?
Câu chuyện ùn ứ cửa khẩu hay nông sản tắc đầu ra, rớt giá… hết mặt hàng này đến mặt hàng khác vẫn cứ mãi trong vòng luẩn quẩn và dường như trở thành thói quen “đến hẹn lại lên”.
Nguyên nhân do 90% hàng nông sản của Việt Nam qua Trung Quốc được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện chiến lược "zero covid" việc xuất khẩu đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn bất cứ lúc nào.
Theo Tổng cục Hải quan, tình hình thông quan giữa 2 bên từ tháng 12/2021 đến nay gặp vô vàn khó khăn do nước bạn kiểm soát dịch bệnh rất chặt chẽ tại các đường tiểu ngạch. Trong khi đó, tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn chỉ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng "giải cứu" chỉ là biện pháp tình thế, cần có giải pháp căn cơ và lâu dài. Trong đó, gốc rễ vấn đề là phải nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt để xuất khẩu chính ngạch. TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, khi sản phẩm có chất lượng tốt, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thì không chỉ xuất sang Trung Quốc, mà chúng ta có thể xuất sang bất kỳ thị trường nào. Điều quan trọng là sản phẩm làm ra có đáp ứng được hay không mà thôi.
Nhận định về vấn đề này, ông Vy Công Tường, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, Trung Quốc áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế VAT đối với cư dân biên giới khi nhập khẩu nông sản từ Việt Nam với mức 8.000 nhân dân tệ/người/ngày. Do đó, các doanh nghiệp không mặn mà với việc xuất khẩu chính ngạch.
Hơn nữa, hiện nay Trung Quốc mới chỉ chính thức cho phép nhập khẩu chính ngạch 9 loại trái cây của Việt Nam, đó là xoài, mít, thanh long, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt. Còn những loại không có tên trong danh mục này đều phải đi qua con đường biên mậu. Trong đó có những loại trái cây, củ mà Việt Nam rất dồi dào, như sầu riêng, vú sữa, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, khoai lang...
Rõ ràng, khi xuất khẩu đường chính ngạch vẫn chưa được giải quyết thì câu chuyện “giải cứu” sẽ vẫn là điệp khúc mỗi khi thị trường có biến động. Và chẳng biết đến bao giờ vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá” mới chấm dứt.
Thanh Hoa