Ông Frans Timmermans nói rằng, ông đồng cảm với khó khăn của Việt Nam vì “ngư dân dù là người Việt Nam hay Hà Lan, Tây Ban Nha… cũng không chịu được sự quản lý”. Ngư dân trên khắp thế giới luôn có tâm niệm “ra khỏi cảng là thỏa sức vẫy vùng ở biển lớn”, do đó rất khó để áp dụng quy trình theo dõi nghiêm ngặt.
5 năm qua, Việt Nam bằng nhiều nỗ lực với các hình thức khác nhau để sớm gỡ thẻ vàng thủy sản. |
Đồng thời, chia sẻ những khó khăn, khác biệt của Việt Nam gây ảnh hưởng tới việc chống khai thác thủy sản IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Đó là đặc thù phức tạp tại biển Đông; thói quen, tập quán của ngư dân cũng như sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật, năng lực quản lý nghề cá.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện những biện pháp bền vững hóa ngành thủy sản, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp từ phía đối tác châu Âu.
Đó là việc thực hiện Đề án phòng chống khai thác thủy hải sản IUU đến năm 2025 với 8 nhóm giải pháp trọng tâm; thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU do Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm trưởng ban; ban hành Luật Thủy sản; ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn phù hợp với luật pháp quốc tế.’
“Việc tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với thủy sản Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Không chỉ nhằm mục đích gỡ những khó khăn, vướng mắc mà còn để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững, phù hợp với những cam kết, lập trường của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Hoan nói.
Còn nhớ, ngày 23/10/2017, cùng với cảnh báo "thẻ vàng" thuỷ sản, EC đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam thực hiện. Đến nay, sau gần 5 năm, số lượng tàu khai thác của Việt Nam đã giảm từ 128 nghìn xuống còn hơn 94 nghìn tàu, số tàu trên 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đến nay đạt trên 90,8%
Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương đã chấm dứt. Số tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực cũng đã giảm đáng kể qua từng năm. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt nghiêm đối với hành vi khai thác IUU đã được tăng cường với số vụ xử phạt là 2.700 vụ, tổng số tiền gần 66 tỷ đồng.
Đơn cử, tại Bình Thuận mô hình "cộng đồng giám sát IUU" do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) phối hợp với Hội nghề cá tỉnh Bình Thuận triển khai tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam đã mang lại những kết quả tích cực. Trong quá trình vươn khơi khai thác hải sản, nhiều ngư dân ở đây đã tình nguyện nhận nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc chấp hành Luật thủy sản, các quy định về chống đánh bắt IUU. Khi phát hiện vi phạm, ngư dân sẽ thông báo và phối hợp với lực lương chức năng để ngăn chặn, xử lý.
Việt Nam luôn xác định chống khai thác IUU là một nhiệm vụ trong tâm, không chỉ vì tính cấp thiết trong xuất khẩu mặt hàng thủy sản mà còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, nhất là thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện EU là thị trường nông, lâm, thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thương mại nông, lâm, thủy sản song phương năm 2021 đạt 5,2 tỷ USD, tăng trên 14% so với năm 2020.
Trà My