Trong bối cảnh xuất khẩu (XK) tôm nửa đầu năm 2019 chỉ đạt khoảng 1,45 tỷ USD (giảm 11% so cùng kỳ năm ngoái), theo giới phân tích, hiệu lực của EVFTA có thể giúp XK tôm phục hồi trong nửa cuối năm sẽ tạo động lực giúp ngành tôm Việt Nam nhanh chóng đạt được kim ngạch XK 1 tỷ USD trong năm nay.
Tận dụng cơ hội từ EVFTA
Cụ thể như trường hợp CTCP Camimex Group (CMX) – chuyên chế biến XK tôm sinh thái, được công ty chứng khoán Đại Nam dự báo sẽ có tăng trưởng doanh thu mạnh nhờ EVFTA. Hiện tại, thị trường XK chính của CMX là EU, chiếm hơn 80% tổng doanh thu của cả công ty.
Theo đó, các thuận lợi trên thị trường quốc tế giúp CMX gia tăng kim ngạch XK lên 113,19 triệu USD, doanh thu thuần có thể tăng lên 2.637 tỷ đồng (tăng 150% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 198,8 tỷ đồng (tăng 155%).
Nhận định mới đây từ Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cũng cho thấy trong 6 tháng cuối năm nay, XK thủy sản sang EU có thể khả quan hơn sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, “thẻ vàng” IUU vẫn là mối quan ngại, tác động giảm XK hải sản sang thị trường này.
EU chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Trước mắt, theo cam kết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu mã HS 03061100 vào EU sẽ về 0% từ mức hiện tại là 12,5%. Thuế sản phẩm tôm mã HS 03061710 về 0% từ 20% hiện tại.
Tôm mã HS 03061791, 03061792, 03061793, 03061799 sẽ giảm thuế về 0% từ 12% hiện tại. Tôm mã HS 03061794 sẽ giảm về 0% từ 18% hiện tại sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực…
Mặt khác, EVFTA dự kiến sẽ mang lại nhiều cơ hội cho XK cá tra sang EU. Hai sản phẩm chủ lực là cá tra philê tươi, ướp lạnh (HS 030432) thuế sẽ giảm từ 9% xuống 0% sau 3 năm; cá tra philê đông lạnh (HS 030462) sẽ giảm từ 5,5% xuống còn 0% sau 3 năm EVFTA có hiệu lực. Sản phẩm cá tra đông lạnh (HS 030324) được xóa bỏ thuế trong vòng 3 năm từ mức 8% như hiện nay.
Vasep cũng đưa ra dự báo XK thủy sản 6 tháng cuối năm nay sẽ hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 5%, đạt trên 5 tỷ USD, đưa tổng XK cả năm lên khoảng 9 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2018.
Riêng với XK tôm, trong điều kiện nguồn cung tôm Thái Lan không đủ cho XK và tôm Ấn Độ gặp khó khăn tại thị trường EU, các sản phẩm từ tôm chính thức hưởng mức thuế nhập khẩu 0% từ Mỹ hay các FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng tạo nên lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn cho tôm Việt Nam trong nửa năm còn lại.
Vì thế, việc XK sang thị trường Mỹ và Nhật Bản được kỳ vọng có thể sẽ tăng trưởng tốt hơn trong nửa cuối, nhất là với mặt hàng tôm.
EVFTA có thể giúp XK tôm phục hồi trong nửa cuối năm nay |
Khắc phục điểm yếu
Điển hình như trường hợp CTCP Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú – doanh nghiệp (DN) XK tôm Việt Nam duy nhất được áp dụng mức thuế chống bán phá giá dài hạn 0% vào thị trường Mỹ. Dự tính doanh thu trong năm nay của DN này sẽ tăng 32%, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm 41,5% và Nhật chiếm 25,5%.
“Vua tôm” Minh Phú được cho là có thể đạt tăng trưởng tốt ở thị trường Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản do tận dụng được chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Ngoài ra, thương chiến Mỹ – Trung tiếp tục được ghi nhận tạo cơ hội cho cá tra Việt Nam trong nửa cuối năm nay. Mặt hàng cá rô phi của Trung Quốc chiếm tới 60-70% thị phần Mỹ, nhưng đã bị đánh thuế 10% trong năm 2018 và có thể bị đánh thuế thêm 25% năm 2019 lên mức 4,75 USD/kg.
Mức giá này cao hơn rõ rệt giá cá tra Việt Nam (4,3 USD/kg), do đó sẽ rất có lợi cho các DN XK cá tra sang Mỹ, đặc biệt là công ty Vĩnh Hoàn khi 64% kim ngạch XK là sang Mỹ. Khối lượng XK của DN này được dự báo tăng 19,7% trong năm nay.
Giới phân tích cho rằng các rào cản kỹ thuật ở thị trường Mỹ sẽ không phải là bất lợi của các DN XK lớn tại Việt Nam nếu họ chủ động được nguồn gốc con giống và quy trình giám sát chất lượng nghiêm ngặt, cũng như có các công ty con đại diện tại nước ngoài giúp xử lý các vấn đề phát sinh.
Riêng với thị trường Trung Quốc, dự báo từ Vasep cho rằng sẽ không có dấu hiệu tích cực hơn ít nhất là trong nửa cuối năm. Do vậy, XK sang thị trường này dự kiến sẽ vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay có 701 DN thủy sản của Việt Nam được phép XK vào Trung Quốc. Việt Nam đang tiếp tục đàm phán và đề nghị Trung Quốc mở cửa thị trường cho một số sản phẩm như: nghêu, cá rô phi, cua, cá ngừ… Tuy nhiên, cần lưu ý đối với các mặt hàng thủy sản, Trung Quốc cũng đang dần siết chặt kiểm soát chất lượng.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vừa công bố miễn thuế nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc với mức thuế cơ bản là 0% cho 33 mặt hàng thủy sản được miễn thuế vào nước này.
Thực tế, trên mỗi thị trường trong nửa cuối năm đều có các cơ hội đan xen thách thức. Để XK thuỷ sản phục hồi, điều quan trọng là các DN XK cần khắc phục điểm yếu của mình.
Đặc biệt là cần phát triển những sản phẩm mà người tiêu dùng cần, thay vì tạo ra những sản phẩm thô mà mình có, xây dựng thương hiệu và làm thị trường.
Hiện tại, đa phần DN XK mới chỉ dừng lại ở các công đoạn nuôi trồng, chế biến rồi XK với giá trị gia tăng và lợi nhuận còn thấp.
Thế Vinh