Theo dự báo, tăng trưởng GDP chung của khu vực Đông Nam Á chậm lại ở mức 4,6% trong quý I/2019, giảm so với mức tăng trưởng 5,3% được ghi nhận trong nửa đầu năm 2018. Đây là kết quả của sự sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu trên khắp các nền kinh tế Đông Nam Á do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu, sự chậm lại trong chu kỳ công nghệ thông tin toàn cầu và sự gia tăng bảo hộ thương mại trong năm qua.
Bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Châu Á – Oxford Economics |
Tương tự, sự suy giảm trong đà xuất khẩu trên toàn khu vực tiếp tục diễn ra trong quý II. Chỉ có Việt Nam không bị cuốn vào xu hướng đó mặc dù mức tăng trưởng có giảm so với năm ngoái. Trong khi xuất khẩu tại các nền kinh tế Đông Nam Á còn lại đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tính theo USD cao hơn 10,4% so với tháng 4/2018. Tuy nhiên, điều này vẫn đánh dấu sự sụt giảm so với mức tăng trưởng 13,3% được ghi nhận trong năm 2018.
Bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Châu Á – Oxford Economics, cho biết: "Chúng tôi dự đoán xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế nói chung sẽ tiếp tục chịu áp lực hơn nữa, vì sự căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể sớm giảm bớt. Với khối lượng xuất khẩu đã giảm kể từ đầu năm, bất kỳ sự gia tăng căng thẳng thương mại nào giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ làm kéo lùi sự tăng trưởng của khu vực nói chung”.
Mặc dù xuất khẩu tăng, động lực kinh tế dự kiến sẽ có xu hướng thấp hơn do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm bớt và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng. Trong khi chuyển hướng thương mại từ sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể tạm thời có lợi cho Việt Nam, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều với Trung Quốc. Tổng xuất khẩu sang Trung Quốc tính theo giá trị gia tăng chiếm 10,3% GDP năm 2017, trong đó khoảng 85% được sử dụng để đáp ứng nhu cầu nội địa của Trung Quốc.
Tuy nhiên, FDI và sản xuất hàng hóa dự kiến sẽ vẫn là động lực đáng kể thúc đẩy tăng trưởng. Theo Cơ quan Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài đã giải ngân tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất 3 năm là 2,6 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2019, với ngành sản xuất và chế biến thu hút nhiều sự quan tâm nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Dòng vốn FDI sẽ vẫn mạnh trong trung hạn do Việt Nam gần với Trung Quốc và động lực về lao động khả quan với mức lương tương đối thấp. Các số liệu về cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng đang được cải thiện và sự tham gia của Việt Nam vào các hiệp định thương mại, đáng chú ý là một phần của ASEAN, và các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng rất thuận lợi.
Nhìn chung, GDP Việt Nam được dự báo sẽ tăng 6,7% trong năm nay, với tăng khiêm tốn trong giai đoạn 2020-2021 ở mức 6,1%/năm.
Tuy nhiên, ICAEW cho rằng về tương lai,Việt Nam cần thiết phải cải cách cơ cấu để cải thiện khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, cũng như đảm bảo giáo dục và đào tạo đầy đủ để tăng khả năng mở rộng sản xuất.
Lê Thúy