Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 4/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới khi xung đột thương mại leo thang và các nền kinh tế lớn giảm tốc mạnh.
Kinh tế toàn cầu được WB dự báo chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm nay |
WB nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1 và cũng thấp hơn nhiều mức tăng trưởng 3% của năm ngoái.
Ở Đông Á và Thái Bình Dương, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ đạt 5,9%, lần đầu tiên xuống dưới mức 6% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hơn 20 năm trước. Dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn ở mức 6,2% trong năm nay.
Triển vọng tăng trưởng của Mỹ không thay đổi, vẫn là 2,5%, nhưng xuất khẩu của nước này sang châu Âu và châu Á sẽ chậm lại rất rõ rệt.
Trong khi đó, tình hình kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro xấu đi nhanh chóng, với mức dự báo tăng trưởng được điều chỉnh giảm từ 1,6% xuống 1,2%, khi xuất khẩu tới Trung Quốc, Trung Á và các thị trường khác giảm.
Với Nhật Bản, WB dự báo giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống 0,8%, khi nền kinh tế nước này vẫn yếu, đặc biệt là về thương mại.
Không đề cập đến đe dọa đánh thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Mexico nhưng báo cáo của WB hạ dự báo tăng trưởng của nước này 0,3 điểm phần trăm, xuống chỉ 1,7%.
Trong khi đó, dự báo cho Brazil cũng bị hạ 0,7 điểm phần trăm xuống 1,5%.
Rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu là nguy cơ gia tăng những va chạm về thương mại giữa các nền kinh tế lớn, mà mới đây nhất là việc Tổng thống Mỹ trong tuần trước thông báo sẽ áp thuế trừng phạt lên hàng hóa của Mexico do bất đồng về chính sách nhập cư. Thương mại của toàn cầu trong năm nay được cho là chỉ tăng trưởng 2,6%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và giảm 1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1.
Tân Chủ tịch WB David Malpass nói rằng triển vọng kinh tế toàn cầu, cả trong ngắn và dài hạn, đang đứng trước những thách thức lớn.
Theo ông, tăng trưởng kinh tế của toàn cầu hiện "mong manh" và sự giảm tốc này cản trở tiến triển của cuộc chiến chống đói nghèo.
Trong khi đó, nhà kinh tế của thiết chế tài chính này, ông Ayhan Kose, cho rằng sự leo thang căng thẳng thương mại là rủi ro số 1 đối với triển vọng tăng trưởng của toàn cầu, và kêu gọi tìm kiếm các giải pháp để ổn định tăng trưởng.
WB cũng cảnh báo về mức nợ gia tăng và cho rằng các nền kinh tế mới nổi có thể sớm nhận thấy sai lầm trong quyết định đi vay để thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Kose cho biết nợ công của các nền kinh tế phát triển và mới nổi kể từ năm 2007 tăng trung bình 15% và những nước này cần "cực kỳ thận trọng" để không bị hấp dẫn bởi mức lãi suất thấp hiện nay mà vay nhiều hơn.
Theo ông, việc vay nhiều sẽ làm tăng khả năng tổn thương trước khủng hoảng, từ đó hạn chế các quyết định chính sách, trong khi không thể biết khi nào lãi suất tăng.
Đ.N (Theo Vietnam+)