Đó là những thông tin được Tổng cục Thống kê đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế – xã hội quý I/2019.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017.
GDP tăng thấp hơn cùng kỳ
Cụ thể, ngành nông nghiệp tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 3,97% của quý I/2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 5,1%, đạt mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 9 năm trở lại đây, đóng góp 0,14 điểm phần trăm.
Ngành công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,14 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2018 nhưng cao hơn mức tăng quý I các năm 2012-2017, đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm với 2,72 điểm phần trăm.
Ngành khai khoáng quý I năm nay tăng trưởng âm (giảm 2,2%), làm giảm 0,15 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, do sản lượng dầu thô khai thác giảm 10,3% và khí đốt tự nhiên giảm 2,4%.
Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm nay duy trì mức tăng trưởng khá với 6,68%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung. Cụ thể, bán buôn và bán lẻ tăng 7,82% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung với 0,95 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,22%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,71%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,75%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.
Phân tích nguyên nhân khiến GDP tăng trưởng thấp so với cùng kỳ, ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), cho hay quý I năm nay, xuất khẩu (XK) tăng trưởng thấp, đạt 58,5 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018 (năm 2018 tăng 24,5% so với cùng kỳ 2017).
Nguyên nhân chính là do sự suy giảm thương mại toàn cầu trong năm 2019 nên nhiều mặt hàng XK chủ lực tăng thấp so với cùng kỳ.
Trong quý I/2019 có 9 mặt hàng XK trên 1 tỷ USD, chiếm 70,8% tỷ trọng XK nhưng chỉ có giày dép và đồ gỗ tăng trưởng mạnh. Mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị XK là điện thoại di động nhưng giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, kim ngạch XK một số mặt hàng nông sản quý I năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 885 triệu USD, giảm 8,6%; cà phê đạt 830 triệu USD, giảm 23,8% (lượng giảm 15,3%); hạt điều đạt 625 triệu USD, giảm 17,2% (lượng tăng 4,7%); gạo đạt 567 triệu USD, giảm 23,6% (lượng giảm 11,5%); hạt tiêu đạt 189 triệu USD, giảm 14,7% (lượng tăng 18,5%).
Ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi |
Mối lo dịch tả lợn châu Phi
Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi đang lây lan trên diện rộng, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông nghiệp, cho biết giá trị của lợn hiện nay đang chiếm 52% toàn ngành chăn nuôi, 1,2% ngành nông, lâm, thủy sản.
So với kịch bản năm 2018, Tổng cục Thống kê vẫn xác định ngành chăn nuôi là điểm sáng cho tăng trưởng năm 2019. Tuy nhiên, trong quý I, dịch tả lợn châu Phi đã làm giảm giá trị ngành chăn nuôi 0,82% so với kịch bản, tác động làm giảm 0,02 điểm phần trăm tăng trưởng GDP quý I.
Dự báo sang quý II/2019, dịch tả lợn châu Phi có thể làm giảm 1,3% tăng trưởng của ngành chăn nuôi theo kịch bản ban đầu và giảm 0,03% tăng trưởng của ngành nông nghiệp và giảm 0,04% GDP cả nước.
Ông Hiếu cho biết theo kinh nghiệm của các chuyên gia ngành chăn nuôi, dịch tả lợn diễn biến trong thời gian dài, nhưng hy vọng sang mùa hè, nền nhiệt lên cao sẽ hạn chế lây truyền.
Trước thực tế thời gian vừa qua, giá lợn hơi đang giảm mạnh, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, dự báo giá có thể tăng trở lại vào tháng 6 do thiếu hụt nguồn cung hoặc người tiêu dùng dùng nhiều hơn.
"Chúng tôi khuyến nghị cần tuyên truyền tốt để người dân không quay lưng với thịt lợn nhằm tránh cầu thấp làm cung thấp theo, dẫn đến giá thịt lợn suy giảm mạnh", bà Ngọc nói.
Bên cạnh đó, trả lời những câu hỏi về việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bà Ngọc cho hay tăng giá điện và giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý đã được tính toán. Bộ Công Thương dự tính tăng giá điện có thể tác động tăng 0,29% CPI.
Tác động tăng của việc tăng giá điện được đánh giá ở cả hai vòng: vòng trực tiếp ngay tháng CPI kế tiếp và vòng gián tiếp là các tháng tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tăng giá điện vào tháng 3 không ảnh hưởng tới GDP và CPI quý I/2019, bởi việc tăng giá từ ngày 15 đến ngày 20 hàng tháng sẽ ít ảnh hưởng đến giá. Điều hành trước ngày 20 sẽ ảnh hưởng, nhưng ngành điện ghi vào cuối tháng nên không lấy vào kỳ thu thập giá.
"Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị không tăng giá xăng dầu vào tháng 3 để tránh tăng đồng thời giá các mặt hàng khác", ông Lâm cho biết.
Thy Lê