Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2019 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn tăng trưởng quý I/2018 (7,45%) và kịch bản ban đầu của Chính phủ (6,93%). Dù vậy, con số 6,79% cao hơn cùng kỳ các năm 2009-2017.
Nhìn từ bất định đối với tăng trưởng trong quý I và dự báo triển vọng kinh tế thế giới, CIEM cho rằng Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức trong các quý II-IV để đạt mục tiêu cả năm 2019 (6,8 – 7,0%).
Môi trường kinh doanh kém cạnh tranh
Trong đó, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, cho biết những điểm nhấn của báo cáo trên là Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô.
Cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng "hậu đăng ký DN" và tiếp cận thông tin minh bạch.
Thực trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện. Ngay cả với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các hướng dẫn và sửa đổi luật còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và DN kỳ vọng khá nhiều. Quan trọng hơn, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện.
"Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế – xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức hoặc thực hiện đầy đủ", ông Dương đánh giá.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh, cải cách quản lý chuyên ngành của Việt Nam, hiện còn nhiều khó khăn, thậm chí nửa vời.
Đơn cử như Thông tư 21 của Bộ Công Thương về formaldehyde có hiệu lực từ tháng 5/2018 nhưng bị lùi thời hạn đến tháng 1/2019, quy định kiểm tra hợp quy theo lô nhưng điều này cũng không giảm gánh nặng cho DN mà còn gây tốn kém hơn.
Bộ NN&PTNT vừa có Thông tư số 35 về kiểm dịch động vật, theo đó giảm đầu mối kiểm dịch nhưng lại gây bất cập, ứ đọng hàng của DN…
Bà Thảo cho rằng nếu quá trình cải cách vẫn thiếu thực chất, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng kém cạnh tranh hơn các nước trong khu vực. Hiện nay, thời gian thực hiện thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam gấp 2 lần của Thái Lan, 3 lần của Malaysia và lâu hơn nhiều lần so với của Singapore. Chi phí nhập khẩu của Việt Nam tương đương của Indonesia nhưng gấp 2 lần so với Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Các DN cần môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh |
Nỗi lo "chảy máu" nguồn lực
Đặc biệt, CIEM cho biết, ở Việt Nam, nhiều cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo đã được thành lập, nhưng có thể nói là chưa có một trung tâm đổi mới sáng tạo đúng nghĩa theo thực tiễn quốc tế tốt nhất. Các cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo chưa tập hợp đầy đủ các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Kết quả là các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam chưa lọt vào các bảng đánh giá, xếp hạng trên thế giới. Trong 10 năm qua, các cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam chưa tạo ra một công ty có giá trị trên 1 tỷ USD nào. Không ít doanh nhân khởi nghiệp đã và đang phải sang Singapore để hoàn thiện sản phẩm đổi mới sáng tạo và triển khai mô hình kinh doanh của mình.
Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, thẳng thắn cho rằng những cái mới – sáng tạo hiện nay rất khó sống ở Việt Nam. Cơ chế kinh tế chủ yếu "làm theo quy định, tiến theo quy trình" sẽ triệt tiêu mọi sáng tạo.
Ông Cung kể lại câu chuyện vừa qua đi thực tế tại một số địa phương, chính cán bộ còn thừa nhận rằng bản thân họ cũng ngại sáng tạo, ngại đổi mới. "Tôi phải nhấn mạnh, chúng ta phải mở tư duy ra. Trong bối cảnh mới, thời đại 4.0, các bộ, ngành phải suy nghĩ tích cực về cái mới, chính sáng tạo mới là nguồn lực quan trọng nhất để giúp đất nước phát triển", ông Cung nói.
Cùng với đó, về vấn đề DN gặp khó khăn, tỷ lệ phá sản tăng cao, Viện trưởng CIEM cho rằng cần phải chỉ rõ nguyên nhân. Chính phủ yêu cầu cải cách, các bộ, ngành cũng nêu cải cách, giảm thông tư, giảm giấy phép con, giảm điều kiện kinh doanh, nhưng tại sao tỷ lệ DN phá sản vẫn ở mức cao. Đây là sự bất hợp lý, mâu thuẫn chính sách và thực tiễn cần nghiên cứu, đánh giá để có góc nhìn chính xác hơn.
"Nhiều người cho rằng tỷ suất lợi nhuận của các DN nhỏ thuộc khối tư nhân hiện đang giảm khiến họ không duy trì hoạt động kinh doanh được, buộc phải phá sản. Tuy nhiên, tôi cảm nhận dường như có gì bất ổn về lãi suất và trở ngại thực chất về thị trường", ông Cung chia sẻ.
Liên quan tới thủ tục kiểm tra chuyên ngành, ông Cung nhấn mạnh, trước kia thủ tục chuyên ngành phải kiểm tra trước khi thông quan, nay chuyển sang sau thông quan, nhưng tình trạng nhũng nhiễu vẫn chưa được xóa bỏ.
Kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, cán bộ còn có áp lực để thúc đẩy kiểm tra nhanh, tránh tồn đọng. Nay chuyển sang kiểm tra sau thông quan, ít áp lực hơn nên họ cũng làm các thủ tục chuyên ngành chậm hơn, lâu hơn, nên DN khó khăn hơn.
Theo PGs.Ts. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có nhiều lý do giải thích thực trạng yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, trong đó nguyên nhân chính là thiếu vắng một chính sách nhất quán phù hợp.
Sự méo mó các thiết chế nhà nước, cải cách kinh tế diễn ra theo hướng không tôn trọng các quy tắc của kinh tế thị trường, vận hành nền kinh tế chủ yếu dựa trên nền tảng quan hệ thân hữu, tham nhũng… Kết quả là DN tư nhân không có môi trường tốt để phát triển.
Vì vậy, ông Thiên cho rằng cần tiếp tục cải cách thể chế để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thật sự cho DN, từ việc thành lập, phát triển ý tưởng mới, giảm bớt thủ tục điều kiện sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các DN nhà nước, DN tư nhân tiên phong đổi mới tạo ra những sản phẩm tốt. Đồng thời, hạn chế thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, tạo môi trường thuận lợi cho DN, cho sản xuất kinh doanh.
Lê Thúy
Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM Với tốc độ tăng trưởng GDP như hiện nay, chúng ta không thể thu hẹp khoảng cách và trình độ phát triển của các nước trong khu vực và với các nước mà chúng ta muốn đuổi kịp. Ví dụ, Trung Quốc hơn một thập kỷ duy trì tăng trưởng cao trên 10% khiến GDP tăng cao, GDP bình quân/người hiện gấp 4 lần Việt Nam. Chúng ta có tăng trưởng nhưng chưa cao, lại chưa ổn định nên gia tăng GDP rất khó, vì vậy cần chú ý cải cách, luôn luôn cải cách không ngừng. Gs.Ts. Nguyễn Quang Thái - Chuyên gia kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nỗi lo tụt hậu khi mà chúng ta đang tiến lên với những bước tiến không nhanh, không dài bằng các nước khác. Vì vậy, không nên bằng lòng với những gì đang làm để không tăng tốc, không quyết liệt. Nếu "chập chừng" trong đổi mới chính sách, Việt Nam sẽ còn tụt hậu xa hơn. Đặc biệt, cần chú ý đến việc nếu lợi thế chỉ số môi trường kinh doanh tăng một điểm phần trăm thì tăng trưởng tăng thêm 1,3%. Ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT công ty Halcom Việt Nam Năm 2018, Việt Nam đã tụt ba bậc về năng lực cạnh tranh và một bậc về môi trường kinh doanh theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới. So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng mức giữa và bị bỏ khá xa so với các nước đứng đầu như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei. Những chỉ số này rõ ràng làm giảm sức hấp dẫn mà những cơ hội có thể đem tới cho DN. Các DN Việt Nam vẫn phải tiếp tục vật lộn với nạn tham nhũng và sự thiếu bình đẳng mà không chắc chắn rằng khi nào sẽ được kinh doanh trong một môi trường tương tự như ở các nước đang dẫn đầu khu vực. |