Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội DN Tp.HCM, cho biết: “Ở Tp.HCM, nếu như năm 2016, số DN mới thành lập tăng 36.000 thì đến năm 2017 đã tăng thêm 41.000. Chúng tôi thấy môi trường kinh doanh đã có bước cải thiện khả quan, có dấu hiệu tốt. Cơ chế pháp lý thông thoáng hơn, cơ hội kinh doanh nhiều hơn”.
Tuy nhiên, với công việc là hỗ trợ DN nhỏ và vừa ở Tp.HCM, tiếp xúc với DN hàng ngày, nên ông Tuệ lưu ý là cũng biết còn nhiều khó khăn, vướng mắc của DN hiện nay dù môi trường kinh doanh có cải thiện.
Chuyển động không đều
Chia sẻ tại hội thảo về nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ở Tp.HCM ngày 19/4, ông Tuệ cho rằng chỉ tiêu cắt giảm 1/3 – 1/2 các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) rất được DN ủng hộ, đồng tình, nhưng chúng ta đang làm theo hình thức vận động các bộ ngành tự giác cắt giảm ĐKKD.
“Tôi nghĩ tính tự giác chưa cao, nhiều bộ hầu như không muốn cắt giảm với nhiều lý do khác nhau. Cho nên mục tiêu cắt giảm vẫn giữ nhưng về cách làm thì đề nghị tạm thời chấp nhận tất cả các ĐKKD hiện có, tuy nhiên kiến nghị với Chính phủ là xóa bỏ ngay việc cấp giấy chứng nhận đủ ĐKKD, cũng như các giấy phép con liên quan đến ĐKKD”, ông Tuệ nói.
Theo lý giải của ông Tuệ, việc quy định các ĐKKD là để phục vụ cho công tác kiểm tra chứ không phải phục vụ cho công tác cấp giấy phép con. Việc này hoàn toàn đạt được mục đích quản lý và chỉ làm tốt hơn cho việc giảm bộ máy quản lý hành chính, nhất là giảm đi bộ máy cấp giấy chứng nhận đủ ĐKKD.
Đánh giá của CIEM cho thấy việc cải cách quy định về ĐKKD hiện đã đạt một số kết quả, chuyển động tích cực, nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt, nhất là mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 trên các chỉ tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh vẫn còn là thách thức.
Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN về môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với Singapore, Malaysia, Thái Lan và mục tiêu ASEAN 4. Thực tế là số ĐKKD bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3 – 1/2 số điều kiện hiện hành. Số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra là phải giảm được ít nhất 20 điểm phần trăm.
Doanh nghiệp đang chịu gánh nặng nhiều loại chi phí và đứng trước áp lực thuế tăng |
Còn nhiều thách thức
Về năng lực cạnh tranh, Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN. CIEM cho rằng số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành giảm chưa đáng kể so với mục tiêu là giảm ít nhất 1/2 Danh mục hàng hóa (không phải là nhóm hàng hóa) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Kết quả đạt được về cải thiện môi trường kinh doanh có chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, giữa các bộ ngành và địa phương.
Theo đó, ở những chỉ số, những lĩnh vực, địa phương mà Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thực sự vào cuộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao, bám sát Nghị quyết của Chính phủ thì ở đó đạt được kết quả và có cải thiện rõ nét.
Điều đáng nói là chỉ mới có tiến bộ ở các chỉ số, các ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, vấn đề được dư luận quan tâm, nhất là những vụ việc có yêu cầu mạnh mẽ từ phía DN.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, nhận định thách thức lớn cho cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay là phạm vi cải cách mới chỉ có một phần. Ngay cả khi thực hiện cải cách như mong muốn thì Việt Nam cũng mới chỉ ở mức trung bình của ASEAN 4. Và như vậy, việc mong muốn có một sự phát triển vượt bậc là chưa thể đạt được.
Một thách thức khác, theo ông Hiếu, đó là chỉ có cải cách đột phá thì mới có thể giải quyết được câu chuyện đòi hỏi nhu cầu phát triển kinh tế, đơn cử như mục tiêu tăng trưởng trên 7% liên tục trong thời gian dài.
“Thách thức này là rất lớn. Vấn đề là làm thế nào để tổ chức thực thi một cách đầy đủ, nhất quán, đúng thời hạn, đúng mục tiêu những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra”, ông Hiếu lưu ý.
Quan sát những khó khăn của DN hiện nay, ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty tư vấn về quản lý kinh tế Economica, nhấn mạnh gánh nặng chi phí đối với DN đang chịu trên nhiều phương diện như chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, về tuân thủ ĐKKD, điều kiện về đầu tư vẫn còn rất cao. Bên cạnh đó là những chi phí, lệ phí, những sắc thuế mà sẽ được áp dụng đối với DN trong xu thế tăng lên.
Mức thuế đóng góp của DN cho ngân sách cũng đang tăng lên. Theo ông Bình, điều đó không tương xứng với khả năng tạo ra lợi nhuận và tạo ra giá trị thặng dư của DN hiện tại. Cho nên vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của khu vực DN, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam hiện nay.
Thế Vinh