Tại Hội nghị quốc tế: “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh” ngày 15/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Nếu không nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, không những không giữ được vị thế mà chúng ta sẽ tụt hậu so với thế giới”.
Trên “nóng”, dưới vẫn “lạnh”
Điểm lại kết quả các chỉ số môi trường kinh doanh 2014 – 2017, Nghị quyết 19 được ban hành từ năm 2014, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá kết quả đạt được còn khá xa so với mục tiêu.
Việt Nam chưa đạt được trung bình ASEAN 4 về môi trường kinh doanh; số điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3 – 1/2 số điều kiện hiện hành. Đáng chú ý, một số Bộ còn gộp số bãi bỏ và sửa đổi để đánh giá hoàn thành mục tiêu; số bãi bỏ thấp xa so với yêu cầu, sửa đổi là chủ yếu.
Theo CIEM, “trong cuộc chiến cắt bỏ ĐKKD, các Bộ được ví như những “con tàu”, tuy nhiên có Bộ ra ga cuối cùng, có Bộ lại chưa vào ga xuất phát”.
Vì thế, nhiều Bộ ngành chưa đạt mục tiêu, như Bộ NN&PTNT và Bộ TT&TT chưa có phương án cụ thể đối với các ĐKKD sửa đổi. Bộ Tài chính chưa thống kê toàn diện tổng số ĐKKD thuộc phạm vi quản lý của Bộ, số ĐKKD bãi bỏ, số ĐKKD sửa đổi cũng như phương án sửa đổi.
Bộ VH-TT&DL chưa thể hiện kết quả rà soát tổng thể ĐKKD theo từng ngành nghề; chưa thống kê toàn diện tổng số ĐKKD thuộc phạm vi quản lý của Bộ, số ĐKKD bãi bỏ, số ĐKKD sửa đổi.
Bộ TN&MT đã thực hiện rà soát, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa ĐKKD nhưng không gửi kèm theo nội dung rà soát và phương án bãi bỏ, đơn giản hóa.
Bộ LĐ-TB&XH chưa thực hiện rà soát chi tiết; chưa thống kê số lượng ĐKKD; không đề xuất bãi bỏ ĐKKD. Đề xuất sửa đổi một số quy định chưa phù hợp với một số luật mới nhưng không nêu rõ quy định cũng như phương án sửa đổi.
Ba Bộ (gồm GTVT, Y tế, KH&CN) đang rà soát và chưa có kết quả. Bộ GD&ĐT chưa có báo cáo về rà soát, cải cách ĐKKD theo Nghị quyết của Chính phủ.
Ngoài ra, số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10 điểm phần trăm; so với mục tiêu đề ra là phải giảm được ít nhất 20 điểm phần trăm.
“Số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành giảm chưa đáng kể so với mục tiêu là giảm ít nhất 1/2 danh mục hàng hóa (không phải là nhóm hàng hóa) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành”, báo cáo này nêu.
“Thủ tướng, Phó Thủ tướng “nóng” nhưng có một số Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương chưa “nóng”; hoặc Bộ trưởng “nóng” nhưng nhiều cục trưởng, vụ trưởng chưa “nóng”, các chuyên viên thậm chí còn “lạnh”…”, ông Cung nhấn mạnh.
Ở góc độ DN, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết một mặt DN đang thiếu các thông tin về thị trường, dò dẫm tìm đường, mặt khác DN lại gặp bối rối về hệ thống tiêu chuẩn như truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn. Trong khi đó, để có được giấy tiêu chuẩn sản phẩm rất tốn kém và mất thời gian. Chính sách đưa ra ít nghĩ tới DN, cho nền kinh tế.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Du lịch Việt Nam, chia sẻ ngành du lịch vẫn gặp vướng mắc trong vấn đề xin cấp visa, dẫn tới mất cơ hội thu hút lượng khách quốc tế tới Việt Nam. “Ý tưởng nhiều, chính sách nhiều nhưng thực hiện ít”, ông Bình nói.
Cải cách phải so với thế giới nhưng hiện nay họ đi nhanh, ta đi chậm nên vẫn tụt hậu
Không chạy đua thành tích
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu không có sự đốc thúc của Thủ tướng thì có lẽ các Bộ ngành không thừa nhận là mình sở hữu nhiều ĐKKD đến thế. Nếu không “bắt” được bệnh sẽ không thể nào thực hiện được.
“Kỷ cương thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh 4 năm qua không nghiêm. Đến nỗi từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đến Thủ tướng đều phải nói câu “trên nóng, dưới lạnh”, bà Lan dẫn chứng.
Bà Lan đề nghị với các ĐKKD còn lại, cần đưa ra toàn bộ tiến độ, tháng nào làm đến đâu, làm cái gì, đến thời điểm yêu cầu. Ví dụ như tháng 5 hoặc tháng 6 mà các Bộ không cắt được thì đích thân Thủ tướng sẽ cắt.
“Không chờ các Bộ nữa, việc gì phải chờ họ. Một hệ thống hành chính của chúng ta theo thủ tục hành chính thì không bao giờ chờ được công chức của các Bộ họ chuyển biến, họ “nóng” lên một chút, trong khi họ đang lạnh tanh với sự phát triển của DN và lạnh tanh đối với sự phát triển của đất nước”, bà Lan nói.
Bà Lan lưu ý thêm, tránh trường hợp các Bộ ngành hiện nay nói là đã cắt giảm ĐKKD nhưng thực chất lại gom 3, 4 điều kiện nhỏ vào một điều kiện chung. Làm như vậy thì chỉ là chạy đua thành tích trên lý thuyết, hoàn toàn không có lợi ích gì cho DN.
Trong khi đó, bà Catherine Masinde, Trưởng Ban Kinh doanh Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư của WB, nhấn mạnh để cải cách thành công, tầm nhìn ở cấp cao phải biến thành các mục tiêu hoạt động và kế hoạch hành động chi tiết tại tất cả các cấp.
“Thể chế hóa sự chỉ đạo – cần có một hệ thống tương tác minh bạch và hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ trung ương và địa phương, báo cáo thường kỳ, có các cơ chế báo cáo lên trên/hòa giải tại các cấp để hỗ trợ thực hiện”, bà Catherine Masinde nói.
Lê Thúy
Chuyên gia kinh tế - Phạm Chi Lan Phải tăng cường kỷ cương tiến độ cải cách, nơi nào không làm được thì phải xử lý. Bộ máy quản lý không làm tròn nhiệm vụ thì không lý do gì mà người dân, DN cứ phải nuôi người ngồi tiếp ở bộ máy, gây tốn kém cho đất nước. Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam Thời gian tới, cải thiện môi trường kinh doanh cần phải kết hợp hai “mũi tấn công” – một là Tổ công tác của Thủ tướng điểm đầu tiến độ công việc. Bên cạnh đó, phát huy mũi thứ hai là tích cực đối thoại giữa cộng đồng DN với cơ quan quản lý. Tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh, nóng ấm không đều, có chỗ nóng ấm, có chỗ chưa ấm”. Viện trưởng CIEM - Nguyễn Đình Cung
Cải cách phải so với thế giới nhưng hiện nay họ đi nhanh, ta đi chậm nên vẫn tụt hậu, do vậy muốn đuổi kịp thì phải cải cách nhiều hơn. Tất cả các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, thành phố đều “nóng” là yếu tố quyết định để đạt được kết quả đồng đều, toàn diện, đúng mục tiêu như yêu cầu của Chính phủ. |