Tại cuộc họp báo chiều 11/12, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF chia sẻ, VBF là diễn đàn rất quan trọng, thể hiện tiếng nói của các DN trong và ngoài nước gửi tới lãnh đạo Chính phủ...
“Nút thắt” thể chế
Theo đó, năm nay, các thảo luận xoay quay ba vấn đề chính là nhấn mạnh nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển và cải cách thể chế.
Trong đó, về cải cách thể chế, VCCI nhìn nhận năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam có thay đổi to lớn và đáng ghi nhận. Chưa bao giờ vai trò của DN tư nhân được đề cao và nhấn mạnh như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, chặng đường cải cách còn gian nan. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2030, Việt Nam phải xếp vào 3 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh tốt nhất ASEAN. Nhưng thực tế, so với 3 nền kinh tế hàng đầu ASEAN hiện nay, chúng ta vẫn còn khoảng cách xa, đặc biệt so với tiêu chuẩn OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) rõ ràng là thách thức lớn.
Đặc biệt, ông Lộc đánh giá, chi phí kinh doanh vẫn ở mức độ cao và tăng nhanh. Hiện nay, chi phí kinh doanh của Việt Nam có dấu hiệu tăng cao, tăng nhanh như lương tối thiểu tăng nhanh hơn tăng năng suất, chi phí bảo hiểm xã hội, công đoàn lớn..
Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn nhưng chi phí logistics cao và kém cạnh tranh so với nhiều nước. Đồng thời, chi phí về hành chính vẫn rất cao. Thủ tục hành chính phiền hà và nặng nề, tăng gấp đôi so với mức cần thiết.
“Thủ tục hành chính đang làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Vì vậy, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh Chính phủ điện tử, xã hội hóa dịch vụ công, qua đó tạo điều kiện cho các DN tư nhân phát triển. Hướng tới chuẩn mực của các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực”, ông Lộc kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Lộc đánh giá, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” chưa được khắc phục, hệ thống thủ tục chưa thống nhất, còn chồng chéo, thiếu sự mạch lạc. Trong cùng hệ thống cơ quan, cấp trên khác, cấp dưới khác.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017 (VBF 2017) |
“Người chơi chính” trong thị trường
Ông Hirohide Sagara, đồng Chủ tịch VBF nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam còn đang đối mặt với thách thức là Chính phủ cần giao thêm nhiều việc cho khu vực KTTN. Chính sách nên thúc đẩy cổ phần hóa DN nhà nước mạnh hơn với vai trò của khu vực KTTN. Để duy trì chỉ số phát triển kinh tế cần duy trì điều kiện, môi trường kinh doanh tốt: “Việt Nam nên mở ra “chân trời mới, cơ hội mới” cho DN tư nhân. Cổ phần hóa chắc sẽ có thách thức và khó khăn, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn hoạt động của khối KTTN, để khu vực này chung tay với Chính phủ giải quyết thách thức mới”.
Ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản nhấn mạnh, Chính phủ nên tập trung cải cách, xây dựng thể chế hỗ trợ cho khu vực KTTN: “Vị trí lãnh đạo của Việt Nam rất quan trọng, cần nhận ra tầm quan trọng của khối KTTN, nên coi họ là “người chơi chính” trong thị trường. Bản thân DN tư nhân cũng cần thay đổi tư duy để trở thành động lực tăng trưởng”.
Ông Lộc bổ sung thêm, “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế Việt Nam là khu vực KTTN. Bên cạnh đó, về vấn đề liên kết giữa DN nội và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ông Lộc đánh giá mối liên kết này chưa thành công.
Nguyên nhân là do bản thân khu vực KTTN trong nước chưa phát triển. Môi trường thể chế chính sách thúc đẩy khu vực KTTN còn yếu. Đồng thời, DN tư nhân vướng vào đầu tư, đầu cơ ngắn hạn, chưa có lực để vươn tới chuẩn mực toàn cầu nên không kết nối được các tập đoàn xuyên quốc gia.
Hơn nữa, các tập đoàn đa quốc gia cần phải “cắm rễ” sâu hơn vào nền kinh tế Việt Nam, cần thêm các biện pháp lớn của DN nước ngoài vào nền kinh tế trong nước. Điều này cho thấy trách nhiệm từ nhiều phía.
Thy Lê