Tại Hội thảo “Kinh tế vĩ mô quý I/2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới” ngày 11/4, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá quý I đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, song chất lượng tăng trưởng chưa cải thiện dẫn tới tăng trưởng tiềm năng cũng đang có dấu hiệu đi xuống.
Số việc làm mới ít hơn
Ông Dương dẫn chứng nhiều phân tích cho rằng diễn biến mùa vụ năm nay khác các năm trước nên dự báo tăng trưởng quý III, quý IV sẽ giảm xuống.
“Nhưng tôi bi quan với lập luận cho rằng tăng trưởng quý I năm nay cao là do đà từ quý IV/2017, bởi lẽ tăng trưởng quý III, quý IV năm nay giảm thì sang quý I/2019 sẽ tiếp tục đà giảm. GDP khi đó sẽ vô cùng thấp”, ông Dương cho biết.
Đồng thời, trong bối cảnh tăng trưởng GDP ở mức cao, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong quý I cũng gia tăng so với tháng 12/2017. PMI đã tăng từ 52,5 điểm lên mức 53,4 và 53,5 điểm lần lượt trong tháng 1 và 2, tuy nhiên đã suy giảm trong tháng 3 về 51,6 điểm, thể hiện tốc độ mở rộng chậm đi ở khu vực sản xuất.
Khảo sát về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy sự lạc quan của DN có phần giảm đi trong quý I.
Trong số các DN tham gia khảo sát, chỉ có 33% đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I tốt hơn so với quý IV năm trước. Tỷ lệ này thấp hơn khá nhiều so với quý trước (44,8%) và gần tương đương so với cùng kỳ năm ngoái (33,7%).
Về tình hình hoạt động, số DN thành lập mới trong tháng 1 tương đương với cuối năm ngoái (10.839 so với 10.814), trước khi giảm mạnh trong tháng 2 và 3 với chỉ 7.864 và 8.082 DN.
Tính chung cả quý, số lượng DN thành lập mới cũng không chênh lệch nhiều với quý I năm ngoái (26.785 so với 26.478). Tổng số vốn đăng ký là 278,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân 1 DN thành lập mới đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5%.
Trong khi đó, tháng 1 chứng kiến lượng DN tạm ngừng hoạt động nhiều nhất trong hơn hai năm qua với 13.300 DN, cao hơn cả tháng 1 năm ngoái (13.289 DN). Quý I có tổng số 21.115 DN tạm ngừng hoạt động.
Về quy mô việc làm tạo mới trong quý I/2018, Tổng cục Thống kê cho biết không cao tương ứng với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế so với năm trước. Cụ thể, tính chung cả quý I có 225,4 nghìn việc làm mới được tạo thêm, trong khi cùng thời điểm này năm 2017 tạo thêm 291,6 nghìn việc làm.
“Hiện tượng số việc làm mới tạo ra ít hơn trong khi tăng trưởng vẫn cao một lần nữa đặt ra câu hỏi về chất lượng tăng trưởng và sức mạnh thực chất của khu vực nội địa”, nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá.
Dẫn con số cụ thể được đưa ra từ Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết có đến 52% DN tư nhân trong nước sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đó là con số của năm 2017 chứ không phải của năm nay.
Những dự án đầu tư 2-3 triệu USD, doanh nghiệp tư nhân trong nước hoàn toàn có thể làm được |
Thu hút FDI chọn lọc
“Trên thực tế, quý I/2018 đã giảm xuống còn 33% các DN có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Như vậy, hoạt động kinh doanh của DN vẫn chưa cho thấy sự lạc quan. Những cải cách chưa đủ để tạo niềm tin cho DN hoạt động”, bà Lan nhận định.
Bà Lan cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng cần sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. DN tư nhân muốn phát triển thì phải có môi trường cạnh tranh bình đẳng. Theo đó, các nút thắt về đất đai cần được giải quyết.
“Nếu quyền sử dụng đất thành quyền tài sản của người sử dụng và có sự mua bán đàng hoàng thì hạn chế việc “bán nóng” cho người nước ngoài. Nếu được sử dụng 50 năm, DN sẽ được đầu tư dài hạn hơn, chứ không như hiện nay, nhiều đất đai rơi vào tay nhà đầu tư ngoại một cách phi pháp”, bà Lan nêu thực trạng.
Theo Gs. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, năm 2014, số vốn bình quân trên một dự án FDI đăng ký là 10,43 triệu USD nhưng đến năm 2018 chỉ còn 3,5 triệu USD, quy mô vốn đăng ký càng ngày càng nhỏ đi.
“Rất nhiều dự án có quy mô 1-2 triệu USD, với quy mô vốn này, tư nhân trong nước hoàn toàn có thể làm được. Tại sao không tạo dư địa để dồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển?”, ông Mại nêu vấn đề.
Ông Mại nhấn mạnh thêm rằng đến lúc cần thay đổi cơ bản về định hướng và chính sách ưu đãi FDI, không thể tiếp tục đầu tư theo kiểu “ông vào, ông có gì, tôi xem xét và chấp nhận”, mà nên đầu tư theo kiểu chủ động tìm đến nhà đầu tư của những dự án Việt Nam chưa làm được, không làm được. Như vậy, đầu tư sẽ có định hướng, xúc tiến đầu tư có mục tiêu chứ không phải dàn trải.
“Thay đổi xúc tiến đầu tư không phải ưu đãi về thuế bao nhiêu năm mà chỉ ưu đãi khi đã hình thành các dự án đầu tư. Đồng thời, đầu tư nước ngoài là phải có sự gắn kết giữa FDI với DN trong nước, tạo cơ hội cho DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Mại nói.
Tuy nhiên hiện nay, mối liên kết này vẫn rất lỏng lẻo. Trong khi đó, các chính sách dường như đang ưu đãi nhiều hơn cho khối ngoại. Theo các chuyên gia, khi muốn phát triển, Việt Nam phải thu hút FDI, ưu đãi thuế cho họ, tuy nhiên đằng sau đó là khu vực kinh tế trong nước phải chịu sự bất bình đẳng và kém cạnh tranh so với FDI. Khu vực trong nước đóng thuế nặng, người dân bị tăng thu trong khi khu vực FDI vẫn được miễn giảm thuế, phí.
Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng theo nguyên tắc trước khi tự do hóa quốc tế thì phải tự tạo tự do hóa cạnh tranh ở trong nước. Điều đó sẽ giúp các DN lớn lên nhờ chịu cạnh tranh như nhau, đến khi lớn lên rồi thì mở cửa cảm thấy bình thường. Còn Việt Nam không như thế, cạnh tranh khu vực tư nhân trong nước yếu kém, đuối sức với DN nước ngoài, DN nhà nước. Khi mở cửa, lại bị áp lực bên ngoài tác động vào, khiến nền kinh tế ngày càng phân hóa.
Lê Thúy
Gs. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Kinh tế tư nhân mới là động lực tăng trưởng nhanh nhất cho kinh tế Việt Nam. Trong 3 quý tới và những năm tiếp theo, những cải cách của Nhà nước phải tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, để các tập đoàn kinh tế tư nhân đã lớn mạnh càng lớn mạnh hơn và những DN vừa và nhỏ trở thành những DN lớn hơn. Ông Lê Quốc Anh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Theo quy luật là năm tăng trưởng đang về sát đáy theo chu kỳ 10 năm của nền kinh tế, năm nay cũng khó có các đột biến về môi trường đầu tư, kinh doanh ở tầm quốc gia và quốc tế để DN tư nhân hưởng lợi. Nhưng hy vọng với việc đưa Nghị quyết Trung ương 5 vào cuộc sống với nỗ lực không ngừng của Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng DN, khu vực tư nhân Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến nhanh, mạnh và vững chắc để ngày càng trưởng thành, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM Tư nhân trong nước hiện nay vẫn phải “cặm cụi” một mình không có sự đồng hành, chia sẻ của cơ quan chức năng và các cấp chính quyền. Điều này cần được tháo gỡ nhanh với tinh thần quyết liệt. Có như vậy mới tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. |