Trong 8 tháng đầu năm 2021, ước tính cả nước có trên 15 triệu lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... bởi dịch Covid-19. Chỉ tính riêng 21 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg có gần 20% doanh nghiệp hiện dừng hoạt động, sản xuất kinh doanh, số lao động tạm ngừng việc gần 4 triệu người.
Doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa”
Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn, nhất là lao động phổ thông làm việc trong các ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử...
Thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp chỉ có khoảng 50% lao động đi làm. |
Thiếu nhân công nghiêm trọng nhất đang diễn ra trong các doanh nghiệp dệt may với số lao động chỉ đáp ứng được 65-70% nhu cầu. Dù các đơn hàng từ khách hàng tấp nập đến tận cuối năm, nhưng nhiều doanh nghiệp “đứng ngồi không yên” vì không đủ nhân lực để hoàn thành hợp đồng đúng thời gian cam kết.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay, 30 - 35% lực lượng lao động đã dịch chuyển về các địa phương. Thiếu nhân lực khi mở cửa kinh tế trở lại là vấn đề hiện hữu đối với các doanh nghiệp, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. “Đây là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mở cửa kinh tế trở lại khi chưa có phương án thật sự tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện mới”, ông Giang khẳng định.
Với ngành gỗ, các doanh nghiệp như đang "ngồi trên đống lửa", khi nhiều nhà máy nhận được đơn hàng đến tháng 3, tháng 4 năm sau nhưng lại không có đủ lao động để sản xuất. Số lượng công nhân hiện chỉ bằng 1/4 so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Để đảm bảo tiến độ giao hàng, doanh nghiệp đang phải nỗ lực tuyển mới nhiều lao động.
Để duy trì khoảng 2.500 siêu thị, chuỗi cửa hàng Vinmart+ và một số trang trại chăn nuôi, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce cần đến tới 40.000 lao động, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh leo thang gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự. Điều này tạo ra thách thức với hoạt động của công ty.
Theo các chuyên gia, nếu không giữ được người lao động thì khi khống chế được dịch bệnh, doanh nghiệp sẽ không có công nhân lành nghề để sản xuất. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp phải chấp nhận mất thêm chi phí để hoàn thành các mục tiêu lâu dài.
Lên kịch bản ứng phó thiếu hụt nhân sự
Trước nguy cơ đứt gãy nguồn lao động, các doanh nghiệp đã xây dựng kịch bản nhân sự chuẩn bị sẵn sàng khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Vincommerce cho biết: “Chúng tôi phải xây dựng nhiều kịch bản, ứng phó linh hoạt để có thể điều động nhân sự, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, giải pháp trước mắt là huy động tất cả nguồn lực từ nội bộ, đối tác để liên tục tuyển mới nhân sự. Ngoài ra, lực lượng nhân sự hiện đang làm việc tại siêu thị, cửa hàng và kho được tổng động viên tăng ca để đáp ứng công việc. Công ty tăng cường chế độ phúc lợi cho nhân viên, đồng thời có chính sách nghỉ bù để đảm bảo tuân thủ Luật Lao động".
Để thu hút được lao động, đại diện Hiệp hội Dệt may cho rằng, ngoài việc kiểm soát dịch bệnh rất quyết liệt của bộ máy chính quyền thì vắc xin vẫn là “chìa khoá”. “Chúng tôi thấy nhiều điểm đáng lạc quan khi Việt Nam dự kiến sẽ nhận thêm nhiều vắc xin trong thời gian tới, hy vọng tạo điều kiện để mở cửa lại nền kinh tế một cách bền vững”, Chủ tịch Vũ Đức Giang nói.
Theo khảo sát mới đây của đơn vị tư vấn tuyển dụng Manpower Group, tỷ lệ doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng, hoặc tối thiểu là duy trì lực lượng sản xuất của mình trong vòng 3 - 6 tháng tới là 64%.
Dù các doanh nghiệp đã sớm lên kịch bản tuyển dụng để tạo được nguồn lao động ổn định chuẩn bị sẵn sàng khi mở cửa trở lại, song về giải pháp lâu dài và bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý. Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành tại địa phương có sự kết nối giúp tăng cường nguồn lực lao động cho doanh nghiệp.
"Hiện nay, rất nhiều lao động đang nghỉ việc do các công ty, nhà máy ngừng hoạt động. Lực lượng này có thể điều chuyển đến làm việc tại các doanh nghiệp đang thiếu nhân sự”, bà Phương nói và hy vọng những giải pháp đó sẽ là lá chắn quan trọng giúp chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, nền kinh tế sớm phục hồi.
Hoàng Hà