Hiện nay, với quy mô dân số gần 1,5 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu (XK) là rất lớn và đa dạng, phong phú. Điều này cho thấy, với lợi thế sẵn có, nếu đáp ứng tốt các yêu cầu liên quan, Trung Quốc vẫn là thị trường đầy tiềm năng cho XK nông, thuỷ sản của Việt Nam.
Phụ thuộc lớn, nhiều loại nông sản 'đứng ngồi không yên'
Tuy vậy, việc XK nông sản sang Trung Quốc lại chưa bao giờ là dễ dàng. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, vấn đề này lại càng khó khăn, khiến nhiều ngành hàng của Việt Nam lao đao. Đơn cử, lâu nay, thị trường XK sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu vẫn XK chính vào thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 93% tổng sản lượng sắn và sản phẩm sắn XK). Đây là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu tính ổn định.
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trái chuối của tỉnh Lai Châu trong các tháng cuối năm 2021 là trên 13.200 tấn. |
Thời gian vừa qua, Trung Quốc hay thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu (cấm biên, đóng/mở nhiều cửa khẩu, danh sách XK, thay đổi quy định nhãn mác bao bì, hạn chế số lượng xe qua cửa khẩu, thời gian mở cửa khẩu ít...) đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp XK nông sản của Việt Nam, trong đó có ngành sắn.
Đáng lo ngại, theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu (NK) tinh bột sắn từ Việt Nam, trong khi tăng NK từ Thái Lan và Indonesia. Do gần đây, cơ quan Thuế đang điều tra xác minh quan hệ mua bán của các Thương nhân Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cho rằng hàng hóa tinh bột sắn của Việt Nam có rủi ro vì đang có điều tra. Vì vậy, họ tăng mua của Thái Lan và Indonesia gây thiệt hại rất lớn cho ngành sắn Việt Nam. Hiện nay, đã bước vào niên vụ sản xuất 2021-2022 nhưng nhiều nhà máy sản xuất tại Tây Ninh vẫn ngừng hoạt động, nguồn cung sắn khan hiếm do ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội.
Với ngành rau quả, tình hình cũng không khá khẩm hơn, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết từ tháng 5, kim ngạch XK rau quả sang thị trường này đã liên tục giảm, trung bình mỗi tháng giảm 15%. Nguyên nhân là do 8 mặt hàng rau quả Việt Nam XK chính ngạch, trước đây chưa được ký Nghị định thư chính thức về Kiểm dịch thực vật với Trung Quốc nên phía họ đã áp dụng thực hiện việc kiểm dịch thực vật rau quả nghiêm ngặt hơn trước (gần như 100% lô hàng) bên cửa khẩu của Trung Quốc làm cho việc giao hàng bị kéo dài, chậm trễ, xe tải ứ đọng tại các cửa khẩu biên giới lâu.
"Như trước đây 1 xe lạnh thanh long từ biên giới Việt Nam vào địa phận tỉnh Quảng Tây chỉ 2-3 ngày, nay kéo dài hơn 1 tuần làm chi phí vận chuyển tăng cao gấp đôi (từ 50 triệu/xe tăng lên hơn 100 triệu) gây thiếu xe để quay đầu chở hàng, làm tăng thêm giá thành hàng hóa, khó cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc và của các nước khác", ông Nguyên cho hay.
Đáng lo ngại, nhiều loại trái cây của Việt Nam thu hoạch trùng vào thời vụ của Trung Quốc, với sản lượng càng ngày càng tăng do nông dân Trung Quốc gia tăng diện tích trồng rất nhanh (nhất là thanh long ruột đỏ, nhãn), giá bán ra giảm. Hiện XK thanh long ruột đỏ rất yếu do Trung Quốc trồng rất nhiều loại này và chất lượng ngày càng ngon hơn hàng Việt Nam.
Mặt khác, nhiều công ty Trung Quốc đầu tư trồng trọt sản phẩm cùng loại rất nhiều tại Thái Lan, Campuchia, Lào... nên họ ưu tiên đem sản lượng đã đầu tư về Trung Quốc tiêu thụ tạo sự cạnh tranh với hàng Việt Nam. Thời gian gần đây, trái cây Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt về chất lượng và mẫu mã với hàng cùng loại của Thái Lan, Philippines, Campuchia...
"Chính vì vậy, các thương gia Trung Quốc không có hoặc lãi ít khi nhập và bán hàng từ Việt Nam (nhất là giá cước xe vận chuyển tăng cao như hiện nay, thời gian thông quan hàng lâu, phẩm chất bị giảm sút...) nên họ không mặn mà", ông Nguyên cho hay.
Điều tiết sản lượng
Về phía địa phương, đại diện tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, hiện nay địa phương này có 9/14 cơ sở đã được cấp mã số ngưng hoạt động do không có đơn hàng đóng gói XK sang Trung Quốc. Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc XK một số loại nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây, thủy sản NK từ Việt Nam.
Tương tự, đại diện tỉnh Lai Châu cho biết, diện tích chuối hiện có của địa phương là trên 4.100 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 45.000 tấn, chủ yếu XK sang thị trường Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc) và qua thương nhân của các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang để XK sang thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, tại cửa khẩu Ma Lù Thàng - Lai Châu, phía Trung Quốc tạm dừng NK các mặt hàng nông sản từ ngày 23/7/2021 do cửa khẩu Kim Thủy Hà chưa được chỉ định là cửa khẩu được NK các mặt hàng trái cây, rau quả tươi, lương thực và thủy sản của Việt Nam nên ảnh hưởng đến việc XK sản phẩm quả chuối.
Đến ngày 31/8/2021, số lượng quả chuối của Lai Châu đến kỳ thu hoạch chưa có thị trường tiêu thụ là trên 3.300 tấn và lượng quả chuối dự kiến thu hoạch trong 4 tháng cuối năm 2021 khoảng 9.900 tấn. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm quả chuối của tỉnh Lai Châu trong các tháng cuối năm 2021 là trên 13.200 tấn.
Mặt khác, đại diện một số mặt hàng nông sản có sản lượng lớn của tỉnh Lai Châu như: Thảo quả, chanh leo, sơn tra, nghệ tươi,... chưa có trong danh mục hàng hóa XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc nên khó khăn trong việc XK sang thị trường Trung Quốc, dẫn đến các mặt hàng nông sản còn tồn: 220 tấn thảo quả; 550 tấn dương quy; 15 tấn cá hồi, cá tầm và 226 tấn các sản phẩm khác (khoai sọ, gạo, sa nhân, chanh leo, ổi, bưởi,...).
Trước tình trạng trên, phía Lai Châu kiến nghị: Chính phủ tiếp tục trao đổi, đàm phán với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để thông thương hàng hóa tại cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN XK hàng hóa nông sản, nhất là mặt hàng quả chuối tươi của tỉnh.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần tăng cường đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc bổ sung các mặt hàng nông sản được XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, nhất là mặt hàng thảo quả.
Nắm rõ những thay đổi từ phía thị trường Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị, các doanh nghiệp XK nông, thủy sản của Việt Nam cần tổ chức được nguồn hàng đáp ứng đúng và đủ nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc; cần chuyển dần sang kinh doanh theo hình thức thương mại chính quy, ký kết hợp đồng mua bán thay vì XK theo hình thức “tiểu ngạch” nhằm hạn chế tối đa hiện tượng ép giá và các rủi ro khác trong thanh toán.
Đại diện ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị: Chính phủ miễn giảm phí BOT cho các xe tải chở hàng rau quả XK cho Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh của năm 2021 và 2022. Về lâu dài, tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp. Không tăng sản lượng các mặt hàng rau quả có nguồn cung cao tại thị trường Trung Quốc như thanh long (nhất là thanh long ruột đỏ), chuối, nhãn... Tổ chức, chỉ đạo sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc (tiêu chuẩn VietGap...) và tăng cường sản xuất trái vụ với hàng nội địa Trung Quốc.
Nhật Linh