Trong một phản ánh với Tổng cục Hải quan, đại diện của công ty YG Vina của Hàn Quốc có than phiền là doanh nghiệp (DN) nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải có được môi trường hoạt động độc lập, chứ không thể có vẻ như đang làm cho họ trở thành DN gia công.
Theo công ty này, vừa cung ứng sản phẩm cho DN xuất khẩu (bán sản phẩm), trường hợp xuất khẩu (XK) thì không dễ để được hoàn thuế và mã HS (mã số dùng để phân loại hàng hóa nhập khẩu – NK) áp dụng thuế không rõ ràng, bị áp dụng hồi tố toàn bộ vì mã HS ban đầu sử dụng sai, phải thu thuế, nộp phạt.
Băn khoăn với áp thuế
"Vì thế, để tránh điều này nên ngày càng tăng các DN gia công. Chủ thể của cơ sở sản xuất là Việt Nam nhưng lại thanh toán ở Hàn Quốc hoặc Trung Quốc, do đó công ty vận hành ở Việt Nam nhưng chỉ thanh toán phí gia công", đại diện YG Vina lưu ý.
Thực tế cho thấy rất khó để kiểm tra phí gia công có phù hợp hay không. Trong khi đó, nếu như phía DN được hỗ trợ chính sách tạo môi trường thuận lợi có thể hoạt động độc lập thì có thể tăng nộp thuế thu nhập DN và thuận lợi cho cả ngành hải quan.
Trả lời vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, về chính sách thuế, chế độ quản lý đối với hàng hóa gia công hiện được quy định tại Luật Thuế Xuất nhập khẩu, Luật Hải quan, Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương. Tuy nhiên, Tổng cục cũng ghi nhận phản ánh của DN và sẽ kiến nghị để hỗ trợ cho DN có thể hoạt động độc lập thay vì chỉ thực hiện gia công cho nước ngoài như hiện nay.
Trong câu chuyện gia công có liên quan đến DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), số liệu của Tổng cục Thống kê công bố gần đây cho thấy, các DN FDI chiếm trọng số lớn nhất với giá trị hàng hóa sau gia công chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công. Cùng với đó, nguyên liệu NK cho gia công của các DN FDI chiếm hơn 80% tổng giá trị nguyên liệu NK.
Hơn nữa, hoạt động gia công hàng hóa với nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu nên tỷ lệ giá trị nguyên liệu NK về để gia công, lắp ráp so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao là 62,3%. Trong đó, tỷ lệ này cao nhất ở các nhóm hàng điện thoại, điện tử máy tính, dệt may, giày dép.
Với các DN gia công nội địa, các đối tác chính đặt hàng cho họ chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… Hầu hết sản phẩm sau khi gia công, lắp ráp được XK trở lại cho nước đặt gia công hoặc XK cho nước khác theo chỉ định của đối tác đặt gia công.
Cần tạo thuận lợi hơn cho các DN gia công hàng hóa XK |
Sửa đổi để tránh bất cập
Ngay cả chính sách ưu đãi thuế đối với việc gia công của các DN trong nước cũng còn nhiều vấn đề đặt ra.
Như lưu ý của ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc CTCP Thuế Kế toán Luật Việt Á, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, đó là nên chăng xem xét bổ sung thêm việc hoàn được thuế NK nguyên liệu trong lúc đầu cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế Xuất nhập khẩu chưa nói đến việc hoàn thuế XK tại chỗ.
Đơn cử như một DN nhỏ chuyên gia công cho một đơn vị A., đơn vị này XK thì phía DN gia công đã góp phần cho hoạt động XK. Cụ thể là sau khi DN nhập nguyên liệu để sản xuất, sau đó phía đối tác nước ngoài có nhu cầu chỉ định là DN sản xuất gia công sẽ giao hàng tại Việt Nam thì có thể gọi là XK tại chỗ.
Hoặc như băn khoăn từ công ty TNHH RF tech Thái Nguyên (một DN FDI) là DN sản xuất XK có được thuê gia công hay không và nguyên vật liệu NK mà đi gia công có được hoàn thuế, miễn thuế NK không.
Theo Tổng cục Hải quan, nếu căn cứ quy định tại Luật Thuế Xuất nhập khẩu và Nghị định số 134 thì hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK được miễn thuế. Cơ sở xác định hàng hóa được miễn thuế được quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định 134.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 134 thì trường hợp NK hàng hóa để sản xuất hàng hóa XK nhưng giao một phần hàng hóa cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công một số công đoạn thì không đáp ứng cơ sở xác định hàng hóa được miễn thuế nên không được miễn thuế NK đối với phần hàng hóa NK đưa đi gia công.
Rõ ràng quy định này cho thấy sự bất cập. Vì vậy, Tổng cục Hải quan cho biết đang phối hợp với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) bổ sung tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 134 theo hướng cho phép người nộp thuế đưa một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật tư, linh kiện đã NK cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam để trực tiếp sản xuất (người nhận sản xuất lại), sau đó nhận lại sản phẩm để XK hoặc tiếp tục sản xuất để XK thì cũng được miễn thuế NK (tương tự như đối với hàng hóa gia công XK).
Nêu ra một số trường hợp vướng mắc điển hình về gia công để thấy trong năm 2019 này còn nhiều việc mà các cơ quan quản lý cần gỡ vướng nhằm tạo thuận lợi hơn cho các DN sản xuất XK, trong đó có chính sách về thuế và vai trò của ngành hải quan.
Thế Vinh