Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, trước tác động của dịch COVID-19 khó có thể dự báo được cung - cầu, giá cả sản phẩm chăn nuôi. Song ông Tiến nhìn nhận, thịt nhập khẩu (NK) không phải là nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm mạnh như thời gian qua mà chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, đứt gãy tiêu thụ do dịch COVID-19.
Thịt nhập khẩu có là "thủ phạm"?
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá thịt lợn xuất chuồng năm 2021 cao nhất 75.000 đồng/kg. Vừa rồi, nhu cầu giảm, lợn thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng khoảng 30% (khoảng 1,5 triệu con khối lượng trên 120-160 kg/con) nên có giá 30.000 - 35.000 đồng/kg, đến thời điểm hiện tại, giá đã tăng dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg tùy từng vùng. Trong khi đó, giá thành sản xuất theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg; chăn nuôi phải mua con giống giá thành từ 50.000 - 55.000 đồng/kg.
![]() |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đi kiểm tra cơ sở chăn nuôi lợn. |
Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thị, các chợ và các siêu thịt khu vực nội thành của 2 TP.Hà Nội và TP.HCM vẫn ở mức cao (110.000 - 200.000 đồng/kg tùy theo loại thịt, có loại lên tới 415.000 đồng/kg), tăng cao do khâu lưu thông phân phối.
Về giá sản phẩm gia cầm, giá gà công nghiệp lông trắng giai đoạn tháng 7, 8 các tỉnh phía Bắc khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg; các tỉnh phía Nam 6.000 - 10.000 đồng/kg, những ngày gần đây các tỉnh đã tăng trở lại với 27.000 - 30.000 đồng/kg. Cục Chăn nuôi dự báo giá lợn thịt xuất chuồng và gà xuất chuồng dự kiến sẽ tăng trở lại khoảng 2 tuần tới khi kiểm soát tốt được dịch COVID-19.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, 9 tháng đầu năm 2021 lượng NK thịt đạt hơn 214,4 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 112,7 nghìn tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước (năm 2020 nhập 599 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 225,5 nghìn tấn, chiếm 6,4% tổng sản lượng thịt lợn trong nước).
Do đó, Cục Thú y nhìn nhận tỷ trọng thịt lợn NK chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (3,6%) so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước nên có thể khẳng định NK không phải là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thời gian tới nền kinh tế mở cửa trở lại thì nhu cầu sản phẩm thịt sẽ tăng. Điểm sáng của ngành chăn nuôi là trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) các loại sản phẩm động vật như: Thịt gia súc, gia cầm các loại: 3.782 tấn (tăng 23,80% so với cùng kỳ năm 2020); 23.443 tấn sữa và sản phẩm sữa (tăng 4.00% so với cùng kỳ năm 2020)…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, chuỗi ngành chăn nuôi của Việt Nam đang ngày càng phát triển "ngang ngửa" thế giới. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn trong nước như C.P, Masan đầu tư... rót vốn lớn vào ngành chăn nuôi hàng tỷ USD. Công nghệ cao thì giá trị nâng lên, giá thành hạ xuống, đủ năng lực để XK sản phẩm vào thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu. Do vậy, để phát triển bền vững thì các địa phương cần có chính sách thu hút DN.
Doanh nghiệp than phiền liên kết lỏng lẻo
Tuy vậy, dưới góc độ DN, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám Đốc phụ trách Kinh doanh Công ty TNHH De Heus cho hay, DN chăn nuôi gặp nhiều vướng mắc khó khăn, thị trường đầu ra thuận lợi thì hộ chăn nuôi hay phá vỡ liên kết với DN. Trong khi, nếu đầu ra khó khăn, DN lại phải đứng ra bao tiêu với giá đã liên kết.
Ông Hiếu cho biết, như De Heus trong suốt 4 tháng qua, chuỗi liên kết của DN ở Đông Nam Bộ vẫn phải thu mua gà với giá bao tiêu 26.500 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ 6.000 - 7.000 đồng/kg. DN vẫn phải bao tiêu sản phẩm với giá rất cao nhưng không được bất kỳ chia sẻ, hỗ trợ nào.
Theo đó, đại diện De Heus kiến nghị Bộ NN&PTNT có đề án xây dựng HTX chăn nuôi kiểu mới để xây dựng liên kết một cách chặt chẽ. Trong thời gian tới, xây dựng chương trình liên kết cụ thể, xây dựng chế tài trong việc phá vỡ liên kết. Đồng thời, DN cũng cần có thông tin cụ thể về vùng an toàn dịch bệnh.
Đặc biệt về phát triển thị trường XK, De Heus cho biết DN sớm XK thịt gà sang Nhật Bản. Hiện, DN cũng nắm được nhu cầu thịt gà của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore rất lớn. Do vậy, các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT như Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Thú y cần thông tin cho DN về nhu cầu cũng như hỗ trợ đàm phán XK.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng cho biết dịch COVID-19 đã khiến DN này gặp khá nhiều khó khăn như chi phí vận chuyển nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao. Giá thức ăn chăn nuôi tăng dẫn đến giá thành sản xuất 1kg thịt gà, thịt lợn tăng thêm 20.000 đồng/kg so với thời gian cách đây một năm, chưa tính tới chi phí kiểm soát dịch bệnh.
Theo đại diện C.P, giá lợn hơi vẫn đang tăng tốt dù vẫn còn dưới giá thành nhưng trong thời gian tới sẽ khả quan. Theo đó, đại diện C.P khuyến nghị Nhà nước cần hỗ trợ để DN chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, người nông dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp để tái đàn.
Để phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi khuyến nghị các hộ chăn nuôi tăng cường xây dựng liên kết ngang (HTX, tổ hợp tác, Chi hội…) để tiếp cận vào chuỗi của các DN, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung cầu. Tổ chức kết nối, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có.
Đồng thời, xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… nhằm giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi, tham gia điều tiết thị trường, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và chủ động điều hành sản xuất trong nước và lộ trình NK thịt hàng năm.
"Bộ NN&PTNT không bỏ rơi DN, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng DN, theo đó cần có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho DN tiếp cận đất đai, xây dựng chuỗi sản xuất", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định.
Ông Nguyễn Quốc Toản Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Một tín hiệu tích cực là XK sản phẩm chăn nuôi thời gian qua đã tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc đa dạng thị trường còn khiêm tốn do phải thiết lập vùng an toàn dịch bệnh, chi phí logistics cao, biên độ lợi nhuận ở mức khiêm tốn. Theo đó, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng mã định danh với vùng chăn nuôi, thúc đẩy liên kết chuỗi giữa DN với HTX, hộ nông dân, xem xét điều tra áp dụng phòng vệ thương mại với thịt NK.
Ông Nguyễn Văn Bách Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thuốc thú y Amavet Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65% giá thành sản xuất của ngành chăn nuôi, trong khi nguyên liệu sản xuất thức ăn phải NK. Vấn đề của ngành chăn nuôi là giảm giá thành sản phẩm, thay đổi công nghệ chăn nuôi, nâng cao chất lượng con giống, trình độ chăn nuôi người nông dân. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật để giảm NK thịt. Hiện thịt lợn châu Âu khá rẻ, nếu không có hàng rào kỹ thuật thì sản phẩm trong nước sẽ khó cạnh tranh.
Ông Đoàn Xuân Trúc Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Thời gian qua, người chăn nuôi hoang mang, ồ ạt bán ra là do xử lý thông tin của các ngành chức năng còn kém. Ví dụ, thống kê số lượng lợn hơi tồn dư lúc là 9,3 triệu con, sau xuống 8 triệu con, giờ còn lại là 1,5 triệu con. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị cần xây dựng kho lạnh để giải quyết bài toán dư thừa của ngành chăn nuôi song đến nay vẫn chưa có giải pháp. Đồng thời, các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần quan tâm nhiều hơn tới ngành chăn nuôi, tránh tình trạng giá sản phẩm chăn nuôi thì thấp nhưng đến tay người tiêu dùng ở mức cao. |
Lê Thúy