Đứng ở góc độ một doanh nghiệp (DN) trong ngành chăn nuôi, ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam ở tỉnh Bình Dương, nhận định thời gian tới giá thành của các sản phẩm chăn nuôi sẽ tiếp tục cao.
Chờ bộ ngành chung tay kéo giảm giá thành
Lý do là vì phải đầu tư và bảo vệ trước dịch bệnh, an toàn sinh học, giá nguyên liệu thức ăn đầu vào cao và mức lương tăng cao cho nhân công lao động trong ngành chăn nuôi.
Kéo giảm giá thành và sớm khắc phục các điểm yếu sẽ giúp ngành chăn nuôi không phải rơi vào cảnh “giải cứu”. |
Theo ông Phương, tất cả sản phẩm chăn nuôi hiện nay đều đang thua lỗ khi giá bán thấp hơn giá thành, hầu như không có bất kỳ sản phẩm chăn nuôi nào có lãi.
Giá thành chăn nuôi cao do thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu (đây là nguyên nhân chính đẩy giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng cao mỗi khi giá nguyên liệu trên thế giới biến động mạnh) là nỗi lo không chỉ của riêng công ty ông Phương mà là của cả ngành chăn nuôi.
Những dự báo mới đây cho thấy nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong 5 năm tới sẽ cần khoảng 28- 30 triệu tấn/năm, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11 – 12%/năm.
Điều đáng nói là nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam vẫn rất khó dự đoán trong thời gian tới. Trong khi đó, trên website của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) mới đây có dẫn thông tin Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nhu cầu nhập khẩu ngô và phụ phẩm ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tiếp tục tăng cao, với mức gấp ba lần trong vòng 10 năm tới.
Hiện tại, Việt Nam là nhà nhập khẩu ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và dự báo vào năm 2022 là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ năm trên toàn cầu. Điều đáng lưu tâm là giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng một khi giá ngô nhập khẩu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Chính vì vậy, trong kiến nghị mới đây của Hội Chăn nuôi Việt Nam đến Thủ tướng Chính phủ có nêu ra giải pháp là Bộ Công Thương cần đàm phán với các nước xuất khẩu lớn (Mỹ, Brazil, Argentina, Ấn Độ, Australia, Nga, Ukraina...) có chính sách, điều kiện thương mại ưu đãi cho xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào Việt Nam, vì hiện nay nước ta đang nhập siêu về nhóm mặt hàng này (trung bình khoảng 6-6,5 tỷ USD/năm).
Cũng theo kiến nghị của Hội Chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nên có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống kho, cảng biển, cảng sông và logistics hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nông sản.
Bởi vì hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu tới 20 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản và trên 100 triệu tấn thức ăn tinh, thức ăn thô xanh lưu chuyển trong nước (riêng chi phí này chúng ta đang cao hơn các nước phát triển trong khu vực khoảng trên 10%).
Trông đợi khắc phục những điểm yếu
Ngoài ra, Bộ Tài chính nên rà soát điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản xuất chăn nuôi trong nước theo các khung thuế xuất mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại.
Trong đó, cần giảm thuế nhập khẩu với ngô, đậu tương và điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu một số nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi bổ sung mà trong nước có thể sản xuất được, như: các loại thức ăn khoáng, axit hữu cơ…
Với tình hình thức ăn đầu vào tăng rất nhanh, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết phía Bộ cũng đã có kiến nghị với Chính phủ giao Bộ Công Thương và Bộ GTVT xem xét về vấn đề vận tải, lưu thông thông suốt và tình trạng container rỗng nhằm giảm chi phí đầu vào. Còn với Bộ Tài chính thì nên rà soát giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu.
Ngoài vấn đề về giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ông Lê Thanh Phương cho biết các DN trong ngành chăn nuôi còn đang đối diện khó khăn hiện tại ở việc người lao động bỏ về quê, không muốn làm trong ngành này nữa dù DN vẫn trả lương đúng hẹn, dẫn đến thiếu hụt lớn nguồn lao động.
Vị giám đốc này cho rằng từ nay cho đến Tết âm lịch 2022, thậm chí sau Tết sẽ không quá lo thiếu hụt nguồn cung sản phẩm thịt, vì đàn heo tồn trong các trang trại là rất nghiêm trọng. Riêng sản phẩm gà, trong ngắn hạn là dư thừa, nhưng về dài hạn gà và trứng sẽ thiếu hụt vì hiện nay có nhiều công ty bắt buộc phải giảm đàn giống nhằm tránh thua lỗ.
Ngoài việc chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 trong những tháng qua, hay vấn đề về giá thành tăng cao, xét những điểm yếu hiện nay của ngành chăn nuôi trong nước có thể kể đến việc thiếu đi các thông tin dự báo cân đối cung cầu trong các vùng.
Không những vậy, ngành này đang thiếu các cơ sở hỗ trợ thể chế, thiếu hệ thống marketing (tiếp thị) chính thức. Nhìn chung, vật nuôi được bán trực tiếp tại chỗ cho người mua trung gian với giá thấp. Với chăn nuôi nông hộ, điều mong mỏi của họ là được cung cấp thông tin kịp thời về thị trường để tình hình giá cả được cải thiện.
Bên cạnh đó, việc thiếu hỗ trợ về mặt tài chính cũng làm cho ngành này còn bộc lộ nhiều hạn chế. Các DN trong ngành chăn nuôi mong rằng thời gian tới Ngân hàng nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho DN và người chăn nuôi vay vốn khôi phục sản xuất.
Bởi vì so với các ngành kinh tế khác, sản xuất chăn nuôi trong nước là dịch chồng dịch trong suốt 2 năm qua, đã làm động lực và sức chịu đựng của hầu hết người chăn nuôi không còn tâm trí và khả năng tái đầu tư.
Thế Vinh