Cuối tuần qua, tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương năm 2021” do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam đã chỉ ra rất nhiều khó khăn mà ngành chăn nuôi trong nước đang phải đối mặt.
Lợn, gà 'ăn hết' sổ đỏ của nông dân, lợi nhuận doanh nghiệp
Cụ thể, ông Phương cho biết công ty hiện có nhà máy sản xuất cám, thuốc thú y, giống ở Bình Dương nuôi gà, lợn với năng lực cung cấp mỗi ngày trên 100.000 con gà các loại, hơn 1 triệu quả trứng và 2.000 con lợn.
So với giá bình quân năm 2020, mức giá lợn hơi hiện tại đã giảm mạnh từ 25.000 - 30.000 đồng/kg (Nguồn: Cục Chăn nuôi). |
Cập nhật giá cả, đại diện Emivest Feedmill Việt Nam cho biết giá lợn đang dao động từ 41.000 - 42.000 đồng/kg, dưới giá thành sản xuất 20.000 nghìn đồng/kg, gà công nghiệp đã tăng từ mức 5.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 30.000 đồng/kg. Gà mào nuôi ngắn ngày giá bán 30.000 đồng/kg, trong khi giá thành là 40.000 đồng/kg; gà ta nuôi lâu ngày 45.000 đồng/kg, trong khi giá thành 55.000 đồng/kg; giá trứng loại lớn nhất 1.520 đồng/quả, trong khi giá thành 1.850 đồng/quả. "Nói chung tất cả sản phẩm ngành chăn nuôi đều đang lỗ, không có sản phẩm nào lời", ông nói.
Theo ông Phương, dựa trên số liệu của Bộ NN&PTNT về tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cả nước tương đương 20 triệu tấn/năm, thì tổng lỗ của các công ty chăn nuôi và nông dân trong nước trong năm 2021 dự kiến cao gấp hơn 10 lần khoản lỗ của hãng hàng không quốc gia Việt Nam là Vietnam Airlines công bố (lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines lỗ 8.585 tỷ đồng).
"Nguyên nhân dẫn đến chuyện các doanh nghiệp chăn nuôi bị lỗ hôm nay chủ yếu là do lưu thông hàng hóa bị đứt gãy, còn thị trường tiêu thụ có ít đi nhưng không đáng kể", ông Phương cho biết.
Emivest Feedmill cũng nằm trong số 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất cả nước.Trước tình hình trên, ông Phương đề nghị chính quyền ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân tại các cơ sở chăn nuôi đầy đủ để ổn định tâm lý người lao động, và ngân hàng nên giảm lãi suất để người chăn nuôi duy trì sản xuất và tái đàn.
Mới đây, Dabaco công bố doanh thu quý III/2021 ước đạt 4.133 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái, song lợi nhuận sau thuế lại giảm 64% còn 138 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu của Dabaco ước đạt 13.669 đồng, tăng gần 85% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 718 tỷ đồng, giảm gần 37% so với năm ngoái.
Trong khi đó, một "ông lớn" khác trong ngành chăn nuôi cũng chia sẻ rất nhiều khó khăn, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dabaco, cho biết tổng đàn lợn của công ty ở các tỉnh vẫn ổn định nhưng số lợn quá lứa 120-130 kg vẫn còn khá nhiều, lợn con đẻ ra không có chỗ nuôi. Cả Dabaco và CP đều đang có lượng lớn lợn hơi từ 33-34 tuần tuổi, phải bán liên tục trong 2 tháng thì mới hết. Hiện nay, với mức giá lợn hơi ở miền Bắc giảm xuống 36.000 - 37.000 đồng/kg, giảm 40-50% so với đầu năm, với mức giá này ngay cả những doanh nghiệp chủ động 60% thức ăn chăn nuôi cũng lao đao.
Ông So cho biết, chi phí nuôi một con lợn của Dabaco bao gồm: 1 triệu đồng sản xuất lợn giống, 2,7 triệu đồng cho thức ăn chăn nuôi, ngoài ra còn chi phí thuốc thú y, phí xử lý chuồng trại, rủi ro chết...
Chủ tịch Dabaco cho biết, ở thời điểm diễn biến dịch bệnh phức tạp, giá lợn hơi giảm sâu, những doanh nghiệp đầu ngành như Dabaco cũng khó có thể duy trì tăng trưởng và lợi nhuận.
Bên cạnh đề xuất về giảm, miễn thuế, đảm bảo khâu vận chuyển lưu thông, lãnh đạo Dabaco kiến nghị hai Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương nhanh chóng xây dựng kho lạnh dự trữ quốc gia về sản phẩm chăn nuôi để cân bằng cung - cầu.
"Các Bộ ngành cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, chứ khi thì giá lên quá cao, rồi lại xuống quá thấp, sau đó là giải cứu thì sẽ làm khổ người nông dân rất nhiều. Lợn đã "ăn hết sổ đỏ" của nông dân, giờ đến gà cũng vậy. Không biết nông dân sẽ lấy cái gì để thế chấp vay vốn ngân hàng", ông So đặt vấn đề.
Chưa đủ cơ sở để tính thua lỗ bao nhiêu
Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nhìn nhận đúng là trong giai đoạn hiện nay ngành chăn nuôi đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không thể tính toán rõ xem thua lỗ là bao nhiêu, bởi chăn nuôi có đặc thù là tính thời điểm, cũng như quy mô và sự chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, con giống...
Ông Trọng dẫn chứng như trong mấy tháng đầu năm, giá lợn hơi ở mức cao, hơn 80.000 đồng/kg là người chăn nuôi đã có lãi. Song từ tháng 6 đến nay, giá bắt đầu xuống thấp, khiến người chăn nuôi rơi vào tình cảnh thua lỗ.
Hơn nữa, để nói lỗ hay lãi thì còn phụ thuộc vào sự chủ động nguồn giống, thức ăn chăn nuôi. Với giá bán 43.000 - 45.000 đồng/kg, nếu người chăn nuôi đi mua con giống, thức ăn hỗn hợp thì sẽ lỗ, song với những cơ sở chăn nuôi khép kín, chủ động được con giống, thức ăn chăn nuôi thì vẫn có chút hiệu quả.
Theo ông Trọng, bên cạnh khó khăn về giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thì hiện nay việc chi phí vận chuyển gia tăng, nhu cầu xuống thấp do nguồn thu nhập của người dân giảm đang là nguyên nhân tác động trực tiếp tới tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, việc vận chuyển qua lại giữa các địa phương còn rất khó khăn "Đơn cử, một xe tải vài trăm con lợn thì sang xe kiểu gì, hay xe thức ăn từ 15-20 tấn cũng lại bắt sang xe thì đúng là khiến doanh nghiệp, người chăn nuôi bị đội chi phí quá lớn. Trong lúc chờ chính sách hỗ trợ khác, ngành chăn nuôi mong muốn khó khăn ở khâu vận chuyển sẽ được tháo gỡ là đã mừng lắm rồi", ông Trọng nói.
Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi ước tính, số sản phẩm lợn hơi đang ứ đọng tại chuồng chiếm khoảng 30%, gà lông trắng tới 90%, do vậy người chăn nuôi, doanh nghiệp thiếu vốn để tái đàn. Bởi vậy, ngân hàng cần có các gói hỗ trợ cho người chăn nuôi, tránh tình cảnh chu kỳ thu hồi vốn của người chăn nuôi kéo dài tới 13-15 tháng, nhưng ngân hàng chỉ cho vay với thời hạn 6 tháng.
Trả lời câu hỏi về giải pháp hạn chế nhập khẩu thịt lợn? Ông Trọng cho biết đây là vấn đề do cơ chế thị trường quyết định, Nhà nước không thể kiềm chế được, mặt hàng thịt lợn cũng không nằm trong danh mục áp Quota (hạn ngạch). Hiện nay, nhập khẩu thịt lợn chủ yếu do các doanh nghiệp nhập, còn người dùng trong nước với thói quen tiêu dùng thịt nóng thì vẫn ưa chuộng sản phẩm chăn nuôi trong nước hơn khi mà giá cũng rẻ.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhập khẩu thịt các loại trong 8 tháng năm 2021 đạt hơn 681,7 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 18,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu thịt lợn đạt hơn 256,8 nghìn tấn, trị giá hơn 507,8 triệu USD, tăng 62,2% về lượng và tăng 83,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thịt gà đông lạnh đạt hơn 167,8 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 148,8 triệu USD, giảm 23,8% về lượng và giảm 26,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đơn vị trên dự báo lượng nhập khẩu thịt đông lạnh tiếp tục tăng nhanh do các nước xuất khẩu lớn như EU, Brazil... dư thừa về sản lượng, có giá rẻ hơn giá thành sản xuất của Việt Nam.
Lê Thúy