Trong văn bản kiến nghị một số giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay dù quy mô đàn lợn của Việt Nam đứng thứ 6-7, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới nhưng điều khiến người chăn nuôi trăn trở vẫn là giá lợn hơi, giá gia cầm biến động thất thường, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng cao.
![]() |
Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi |
Hiện nay, cả nước có hơn 2 triệu hộ nuôi lợn, gần 2,2 triệu hộ nuôi trâu bò, gần 7 triệu hộ nuôi gia cầm và hàng trăm nghìn hộ nuôi các loại vật nuôi khác.
Kiểm soát dịch bệnh, giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi còn nhiều tồn tại. Chi phí đầu vào của sản xuất chăn nuôi trong nước thuộc nhóm cao trong khu vực, nhất là chi phí mặt bằng, vận chuyển và tín dụng. Tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cao.
"Việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ ngày càng gia tăng, nhất là khi các dòng thuế quan nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đang trở về mức 0% thì áp lực thị trường với chăn nuôi trong nước sẽ là vô cùng lớn", Hội Chăn nuôi Việt Nam nhấn mạnh.
Từ những vấn đề còn tồn tại của ngành chăn nuôi, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT cơ cấu và chỉ đạo điều hành sản xuất theo các ngành hàng đối với một số sản phẩm chăn nuôi chính, như: thịt lợn, thịt gia cầm, thịt trâu bò, trứng và sữa theo các chuỗi liên kết khép kín phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm.
"Có nhiều mặt hàng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đã tăng đột biến trong thời gian gần đây. Năm 2020 so với năm 2019 nhập khẩu thịt lợn tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44% đã gây thêm rất nhiều khó khăn cho sản xuất chăn nuôi trong nước", Hội Chăn nuôi Việt Nam dẫn chứng.
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết Nhà nước không thể kiềm chế được kim ngạch nhập khẩu thịt lợn do mặt hàng này không nằm trong danh mục áp quota (hạn ngạch). Hiện nay, thịt lợn nhập khẩu được các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước khá ưa chuộng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian qua, thì ngành chăn nuôi trong nước vẫn chưa làm được gì nhiều trong việc đưa sản phẩm chăn nuôi tiếp cận thị trường thế giới.
Về tiềm năng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết do giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn cao nên khó xuất khẩu. Đồng thời, muốn được xuất khẩu thì phải chăn nuôi theo quy trình, nằm trong vùng an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) công nhận.
Vừa qua, Việt Nam mới xuất khẩu được thịt gà sang Nhật Bản thông qua mối liên kết của 4 doanh nghiệp chăn nuôi nhưng đó là sản phẩm chế biến. Trước đó, Việt Nam cũng xuất khẩu lợn sữa, lợn choai nhưng do giá cao nên khó cạnh tranh. Hiện nay, sản phẩm này cũng không xuất khẩu được nhiều do bán trong nước còn được giá hơn xuất khẩu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi ước trên 2,7 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sữa và sản phẩm sữa ước khoảng 926,4 triệu USD, tăng 10,9%, thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 1.125,5 triệu USD, tăng 28,6%.
Ngược lại, trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 87 triệu USD, tăng 20,9%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 76 triệu USD, tăng 18,2%. Số liệu này chưa tính kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu và thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Thy Lê