Năm 2020 -2021 được xem là giai đoạn khó khăn chưa từng có đối với Tổng Công ty may Hưng Yên. Mặc dù vậy, nhờ sản xuất, kinh doanh theo phương châm “lựa cơm gắp mắm” mà doanh nghiệp này không những đứng vững trong đại dịch mà doanh thu của tất cả các đơn vị trong hệ thống đều tăng trưởng ít nhất khoảng 10%, thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng.
Đơn hàng đã “phủ” đến tháng 6/2022
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT phấn khởi chia sẻ, Tết Nhâm Dần 2022, các đơn vị trong hệ thống đã chi trả thưởng cho người lao động, cao nhất trung bình khoảng 25 triệu đồng/người và thấp nhất cũng đạt 10 triệu đồng/người.
Các đơn hàng của May Hưng Yên đã kín tới tháng 6/2022. Ảnh Int |
Nói về những khó khăn của năm 2021, ông Dương cho biết, do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã kéo theo đơn giá hàng xuất khẩu bị giảm, thậm chí lợi nhuận chỉ ở điểm hòa vốn trong 6 tháng đầu năm, nhưng May Hưng Yên đã dồn lực cho sản xuất, kinh doanh nửa cuối năm, từ đó đưa các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm 2021 tăng trưởng 5-10% so với năm 2020.
Dù đơn hàng không thiếu, nhưng chi phí đầu vào cho sản xuất tăng mạnh, bao gồm cả chi phí phòng chống dịch (chi phí về xét nghiệm, phòng chống dịch bệnh cũng bị cũng phát sinh), chi phí vận tải, chi nguyên phụ liệu đều tăng, trong khi tỷ giá giảm… đã tác động mạnh đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường, May Hưng Yên đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 bằng với kết quả thực hiện của năm 2021, đồng thời nỗ lực tăng trưởng thêm 5% nhờ vào việc định hướng sản xuất các đơn hàng FOB cho thị trường Mỹ và Australia, tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định FTAs như CPTPP, EVFTA..., tăng thu nhập thêm 5% cho người lao động.
Với những lợi thế về chất lượng trong nhiều năm đối với đối tác, hiện các đơn hàng của May Hưng Yên đã kín tới tháng 6/2022. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Tổng công ty cũng đang hướng tới làm FOB khi nguồn vải trong nước dồi dào để gia tăng giá trị lợi nhuận.
Giống như Tổng Công ty May Hưng Yên, Công ty TNHH Việt Thắng Jean, thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cũng có một năm đầy khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, 98% trong tổng số hơn 3.800 người lao động của Công ty đã vào ca sản xuất đầu tiên của năm Nhâm Dần, thực hiện đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường như Mỹ, EU…
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, sau một năm đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, năm 2022, ngành dệt may được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng cao từ 10-15%. Hiện quần áo của Việt Thắng Jean đã lên kệ ở khắp châu Âu, Công ty đã nhận đơn hàng đến hết tháng 6/2022.
Còn Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt nói rằng, May 10 đã ký hợp đồng với các đối tác nhập khẩu từ nay đến quý I/2022, một số đơn hàng được ký đến quý II/2022, đủ để doanh nghiệp yên tâm, ổn định sản xuất, tạo phấn khởi cho người lao động.
Hiện tại, May 10 đang dồn tốc lực sản xuất cho kịp tiến độ. Với lượng đơn hàng sẵn có, May 10 có thể hoàn thành thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong quý I/2022.
Ngày càng cạnh tranh khốc liệt
Có lẽ chỉ nhìn vào 3 doanh nghiệp được cho là lớn trong ngành dệt may Việt Nam người ta cũng phần nào hình dung ra được bức tranh tổng thể của ngành này trong năm 2022. Nghĩa là đơn hàng rõ ràng là không thiếu, thậm chí đã ký đến hết quý II/2022, nhưng điều đó không có nghĩa là ngành dệt may sẽ yên tâm thắng lợi, mà ngược lại còn thêm phần lo lắng bởi để có những chuyến hàng suôn sẻ thì cần phải có sự quyết tâm đảm bảo tiến độ, nhất là về mặt chất lượng theo yêu cầu của các đối tác nhập khẩu.
Việt Nam luôn nằm trong Top đầu của các quốc gia xuất khẩu dệt may trên thế giới. |
Nhận định về sự phát triển của ngành dệt may năm 2022, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho rằng thế giới dự báo ngành dệt may sẽ có cải thiện 2,7% (tăng thêm khoảng 20 tỷ USD), GDP toàn cầu tăng khoảng 4,1%, thương mại tăng khoảng 7% và lạm phát khoảng 3%.
Trên cơ sở này, Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cũng đã đưa ra 3 kịch bản cho xuất khẩu dệt may Việt Nam 2022, trong đó, kịch cao nhất đạt 42,5-43,5 tỉ USD, trung bình 40-41 tỉ USD, thấp nhất 38-39 tỉ USD.
Riêng Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng chung trên 8%, trong đó tập trung vào tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên vốn phải đạt từ 20 - 25%. Hiện các đơn vị may của tập đoàn đã đủ đơn hàng đến hết quý I/2022, nhiều đơn vị đã có đến quý III/2022 và hiện tại các đơn vị đang nỗ lực sản xuất để giao hàng đúng tiến độ.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù thị trường dệt may khởi sắc trong năm nay, nhưng tổng cầu dự báo sẽ không tăng nhiều. Đặc biệt, việc thị trường khởi sắc khiến nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021.
Đơn cử, Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch 5 năm lần thứ 14 dành riêng cho ngành dệt may và tham vọng mục tiêu mở rộng thị phần ở những phân khúc có giá trị gia tăng cao nhất, tạo sức ép không nhỏ với dệt may Việt Nam trong năm 2022.
Theo đó, trong 5 năm tới, dệt may Trung Quốc đi vào khoa học cơ bản, tự chủ 75% trang thiết bị và không ưu tiên phát triển theo chiều rộng. Đến năm 2025, 55% sản lượng sản xuất xơ hoá học, bao gồm xơ tái chế trên thị trường thế giới là do Trung Quốc sản xuất; giảm lượng sản xuất hàng may mặc từ 40% xuống còn 35%. Đặc biệt, dệt may Trung Quốc sẽ không giữ vững 39% thị phần như hiện nay mà giảm xuống còn khoảng 30% nhưng là thị phần của sản phẩm xanh, sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Hay như Ấn Độ, ngành dệt may chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này. Ấn Độ định hướng tự chủ nguyên phụ liệu bằng cách đầu tư công viên dệt may lớn với diện tích khoảng 400ha/công viên, hiện đã có 80 công viên. Mục tiêu phát triển của Ấn Độ đến năm 2025, xuất khẩu dệt may tăng từ 35 tỷ USD lên 80 tỷ USD.
Còn với Bangladesh, năm 2021, 9 trong 10 nhà máy may mặc đạt các tiêu chí xanh cao hàng đầu thế giới được Hội đồng Xây dựng Xanh Mỹ cấp chứng nhận nằm ở Bangladesh. Quốc gia này tranh thủ trong thời gian thị trường dệt may phát triển tương đối thuận lợi để đi tắt một bước, từ sản xuất lạc hậu lên sản xuất xanh đạt tiêu chuẩn cao và đẩy ngành may, sợi đi theo hướng hiện đại bậc nhất.
Đẩy mạnh “xanh hoá” trong sản phẩm
Rõ ràng, xu hướng “xanh hóa” ngành dệt may trên thế giới được nhắc đến nhiều hơn trong vài năm trở lại đây. Đây là yêu cầu thúc đẩy phát triển ngành dệt may theo hướng bền vững nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường. Và chắc chắn Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu thế đó.
Việc đầu tư phát triển sợi vải “xanh” từ thiên nhiên với nguyên liệu sợi tái chế từ vỏ chai, bắp, mía, vỏ dừa... là việc các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn phải làm nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh. |
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), mục tiêu đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may thành viên Ủy ban Bền vững VITAS giảm được 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; trong đó có hai khu công nghiệp dệt may cải thiện hiệu quả năng lượng và tuần hoàn nước.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công Trần Như Tùng cho biết, đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” như: Thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.
“Rào cản lớn nhất hiện nay với doanh nghiệp là khoản đầu tư lớn khi đầu tư máy móc, công nghệ. Tuy nhiên, không phải vì thấy khó mà dừng lại, vì nếu để mất khách hàng doanh nghiệp sẽ không thể duy trì hoạt động. Do đó, chuyển đổi “xanh hóa” là vấn đề cấp bách cần hành động ngay chứ ko phải loay hoay lựa chọn giải pháp”, ông Tùng nói.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas khẳng định: “Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam muốn vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất ổn định và mở rộng được thị trường tiêu thụ thì các DN phải liên kết với nhau từ khâu dệt - sợi - may mặc để tạo thành chuỗi. Từ tháng 1/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực có hiệu lực sẽ tạo thêm cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Do đó, các DN nên xây dựng chiến lược xanh hóa ngành dệt may để phát triển bền vững, giữ được hợp tác lâu dài với các nhãn hàng”.
Trà My