Theo Vitas, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 8 tháng năm 2021 ước đạt 25,96 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, mới đây diễn biến vô cùng phức tạp và kéo dài của dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam so với đợt dịch bùng phát ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh… đã làm cho nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng chậm, giao hàng bằng máy bay hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Xuất khẩu dệt may khó đạt 39 tỷ USD trong năm nay. |
Tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 của ngành ước giảm 18,69% so với tháng 7/2021 và giảm 5,88% so với tháng 8/2020.
"Bốn tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may và mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD sẽ rất xa vời. Nếu tình hình dịch bệnh không kiểm soát được trong tháng 9/2021, khả năng ngành chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 33 - 34 tỷ USD trong năm nay", Vitas cho hay.
Trước tình hình đó, Vitas kiến nghị, bên cạnh lực lượng tuyến đầu và những người có nguy cơ cao, cần ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong nhà máy và các khu công nghiệp, đội ngũ lái xe vận tải, shipper, nhân viên làm công tác xuất nhập khẩu hàng hóa kết hợp với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người lao động, người dân trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch (5K, 3 tại chỗ, một cung đường - hai điểm đến...).
Nhà nước tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền để tránh cho doanh nghiệp không rơi vào tình trạng đứt thanh khoản. Cụ thể, dừng các khoản thu không phải chi ngay như: Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đề xuất dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP nhưng không phải chỉ trong 6 tháng từ khi nộp hồ sơ mà 1 năm từ khi nộp hồ sơ...
Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Vitas đề nghị cho phép doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn...
Đồng thời, cắt giảm các chi phí để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp kiến nghị TP.Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022; TP.HCM hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022. Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Vitas đề nghị Nhà nước tiếp tục giảm giá điện và thuế VAT từ 20-30% cho các doanh nghiệp ở các địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 đến hết tháng 6/2022...
Lê Thúy