Trong báo cáo mới đây về đánh giá tác động từ dịch Covid-19 của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (Vcosa) gửi đến Ban Kinh tế Trung ương có cho biết, đang có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp (DN) ngành sợi trong quá trình sản xuất hiện nay.
Thế khó của doanh nghiệp sợi
Nhất là việc tăng cường giãn cách xã hội leo thang sang tháng 9/2021 khiến cho DN ngành sợi càng rơi vào bế tắc vì gián đoạn hoạt động sản xuất, mỗi DN chỉ được phép duy trì tối đa 50% công suất.
Các DN sợi, dệt may cần được “hà hơi tiếp sức” để vượt khó giữa đại dịch. |
Không chỉ chịu ảnh hưởng trong đại dịch lần này, theo Vcosa, thực trạng khó khăn của ngành sợi đã khởi sinh từ trước năm 2019 kéo dài cho đến nay. Từ việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dẫn đến hàng loạt nhà nhập khẩu Trung Quốc giảm hoặc ngừng mua sợi từ Việt Nam. Tiếp đến là việc các thị trường tiêu thụ sợi của Việt Nam đều bị đình trệ vì dịch Covid-19 từ năm 2020 cho đến năm 2021 này.
Không chỉ vậy, mới đây Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) còn chỉ rõ tình trạng bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester (sợi filament) có xuất xứ từ Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ.
Như lưu ý của cơ quan này, trong bối cảnh Covid-19, nhập khẩu sản phẩm sợi filament trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 258 nghìn tấn, tăng tới 37% so với cùng kỳ năm 2020. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân chính gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Còn tính riêng trong giai đoạn 2017 - 2019, sợi filament đã tăng đột biến, lượng nhập khẩu từ 189.262 tấn trong năm 2017 đã tăng lên tới 300.000 tấn trong năm 2019.
Rõ ràng, với tình hình như vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của ngành sợi trong nước. Chưa kể, trong năm 2021 này giá nguyên liệu, chi phí vận tải tăng cao, biến động khó lường, nhưng nhiều DN sợi vẫn nỗ lực cầm cự.
Ngành kéo sợi là phân khúc đầu, một trong những phân đoạn thượng nguồn của chuỗi ngành dệt may. Toàn ngành kéo sợi hiện có 9,7 triệu cọc với tổng sản lượng 1,85 triệu tấn/năm.
Dù chỉ chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may cả nước, nhưng do khả năng hấp thụ của ngành dệt trong nước còn hạn chế, nên hiện chỉ có 600 nghìn tấn sợi được tiêu thụ nội địa, chiếm tỷ trọng 1/3 tổng sản lượng. Số còn lại 1,3 triệu tấn sợi dành để XK, chiếm tỷ trọng 2/3 tổng sản lượng.
Theo Vcosa, trong Quý 3/2021 vừa qua thì các DN sợi đã gặp thêm rất nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh. Bên cạnh khó khăn trong việc duy trì triển khai mô hình “3 tại chỗ” và tình trạng khan hiếm container, các DN ngành sợi còn đối mặt tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và vật tư phụ vì nhiều nhà cung cấp trong nước đã phải đóng cửa do không có khả năng gồng gánh chi phí với “3 tại chỗ”.
Tiếp cận với “bình thường mới”
Đối với nguyên liệu nhập khẩu đã về cảng, nhiều DN ngành sợi phản ánh là họ không thể nhận hàng vì việc khai thác container liên tục bị trì hoãn. Đặc biệt do thiếu nhân lực xử lý thủ tục hồ sơ tại cảng và tình hình thị trường container đang khan hiếm, hỗn loạn kéo dài nhưng vẫn chưa có bất cứ giải pháp nào cứu nguy cho DN.
Ngoài ra, việc thiếu người lao động dẫn đến DN ngành sợi bị giảm năng suất, giảm sản lượng so với kế hoạch, nguyên liệu cũ tồn kho nhiều nhưng không thể sản xuất, khả năng không đáp ứng được đơn hàng đã ký kết. Trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng với các DN sợi trong lúc này là không thể lường trước được.
Hơn thế nữa, Vcosa cho biết DN phải giảm công suất, kéo theo giảm sản lượng và người lao động để thực hiện giãn cách. Việc này dẫn đến không đủ hàng hóa kinh doanh khiến dòng tiền bị thiếu hụt. Song song với tình hình đó thì tất cả chi phí đều tăng, thậm chí phải gánh thêm những chi phí đột ngột ngoài dự tính.
Hệ quả khiến DN ngành sợi không đủ nguồn tiền chi trả các khoản nợ vay đến hạn. Trong khi đó, ngân hàng không xem xét gia hạn nợ, không giảm lãi suất, không cơ cấu nợ, ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của DN.
Bên cạnh vấn đề khó khăn của các DN ngành sợi, giới chuyên gia cho rằng để “cứu” các DN dệt may trong lúc này, rất cần sớm thực thi các chính sách dừng, giảm và cắt nộp nhiều khoản chi phí để nhằm “hà hơi tiếp sức” cho họ vượt khó giữa đại dịch.
Như lưu ý của ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), nếu tình hình dịch bệnh không kiểm soát được trong tháng 9/2021 thì khả năng ngành dệt may chỉ đạt kim ngạch XK khoảng 33 – 34 tỷ USD và mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019 sẽ rất xa vời.
Để các nhà sản xuất dệt may tiếp cận với “bình thường mới”, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho rằng thời điểm giãn cách chắc chắn sản lượng suy giảm, con đường duy nhất duy trì được tăng trưởng là thời gian không giãn cách phải có sản lượng cao hơn để bù lại.
Theo ông Trường, khái niệm năng suất bình quân đã bị lỗi thời trong giai đoạn bình thường mới. Cách tổ chức sản xuất này chắc chắn sẽ rất áp lực, thậm chí chi phí cao. Nhưng so với giảm tổng sản lượng cả năm thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Bài học DN sợi khi kinh doanh dưới giá thành chúng ta đã biết và vẫn tốt hơn đóng máy.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.