Tại Chương trình Đối thoại chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giày Việt Nam, chiều 8/10/2021, TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động cho biết, dịch COVID-19 đang tác động rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam, trong khi nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường Mỹ, EU gia tăng.
Chi phí tăng cao, doanh nghiệp lại mất đơn hàng
Cụ thể, kết quả điều tra doanh nghiệp cho thấy, trong thời gian các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, chi phí thực hiện "3 tại chỗ" của một người lao động trong một tuần là 2,2 triệu đồng, không tính lương, phụ cấp. Như vậy, nhà máy có 1.000 công nhân thì sẽ mất thêm 2,2 tỷ đồng/tuần để thực hiện "3 tại chỗ".
48% doanh nghiệp dệt may, da giày cho biết bị chậm đơn hàng. |
Trước khó khăn gián đoạn sản xuất ở Việt Nam, nhiều khách hàng nước ngoài đã hủy đơn hàng giữa chừng để chuyển sang thực hiện ở Trung Quốc, Indonesia, hoặc nếu không thì yêu cầu giảm giá 15%, thậm chí tạm dừng đơn hàng...
Theo đó, tỷ trọng chi phí chống dịch so với chi phí vận hành rất cao, hơn 40% doanh nghiệp cho biết chi phí chống dịch chiếm hơn 20% chi phí vận hành của họ.
Đáng chú ý, ngay cả đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch từ hồi tháng 5, tháng 6 như ở Bắc Giang, Bắc Ninh cũng như doanh nghiệp khu vực các tỉnh thành phía Nam vừa qua đều phải chịu tình trạng là khó giao đơn hàng đúng tiến độ.
"48% doanh nghiệp chậm đơn hàng, gần 20% doanh nghiệp cho biết đơn hàng bị huỷ... Qua phỏng vấn doanh nghiệp dệt may, da giày, chúng tôi được biết trước khó khăn gián đoạn sản xuất ở Việt Nam, nhiều khách hàng nước ngoài đã hủy đơn hàng giữa chừng để chuyển sang thực hiện ở Trung Quốc, Indonesia, hoặc nếu không thì yêu cầu giảm giá 15%, thậm chí tạm dừng đơn hàng...", bà Chi thông tin.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thời gian qua, doanh nghiệp trong ngành này gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả thời điểm hiện tại cũng khó duy trì sản xuất. Theo đó, việc thực hiện Chỉ thị khôi phục sản xuất của Thủ tướng ở mỗi địa phương không đồng nhất, cụ thể Tiền Giang chưa mở cửa sản xuất, ở Đồng Nai (một doanh nghiệp lớn ở TP.Biên Hòa thuộc vùng đỏ cho biết không thu hút được lao động ở vùng xanh). Thêm vào đó, thời gian giãn cách kéo dài khiến tinh thần của người lao động bất ổn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về tài chính, hầu như tất cả doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều khó khăn. Ngay cả doanh nghiệp FDI, hiện nay dòng tiền cũng đã cạn.
Gỡ cản trở để nối lại sản xuất
AmCham và các công ty thành viên rất hiểu việc phòng ngừa dịch bệnh là cần thiết, song nếu Việt Nam kéo dài thời gian giãn cách, doanh nghiệp gián đoạn hoạt động càng lâu thì sẽ mất thêm nhiều thời gian để phục hồi kinh tế cũng như cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng tới cả chuỗi cung ứng.
Chia sẻ với những khó khăn mà ngành dệt may phản ánh, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay: "Chúng ta cứ nói mở cửa sản xuất nhưng thực sự điều kiện quá phức tạp, lưu thông giữa các địa phương với nhau vẫn còn cản trở lớn, di chuyển công nhân đi làm vấp phải điều kiện khác nhau giữa các tỉnh khác nhau. Trong khi đó, doanh nghiệp thực hiện giãn cách đã khó rồi, giờ thêm điều kiện nữa thì doanh nghiệp rất khó khăn".
Thậm chí, có doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để sản xuất trở lại - đó là thực tế vì thiệt hại quá lớn với họ, nếu tiếp tục đóng cửa thì sẽ phá sản. Tâm lý của người lao động cũng vậy, người lao động quay trở lại nhà máy lo ngại an toàn, khó khăn di chuyển, gây cản trở lớn cho mở cửa sản xuất. Nếu tâm lý của người lao động ổn định thì doanh nghiệp mới có nguồn lực duy trì sản xuất.
Đại diện cho nhà mua hàng, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, thời gian qua, các nhà bán lẻ tại quốc gia này bị ảnh hưởng rất lớn khi nguồn cung hàng hóa của Việt Nam bị gián đoạn, người tiêu dùng của Mỹ cũng bị tác động. Đây là thông tin cảnh tỉnh cho Việt Nam.
Bà Tarnowka nhìn nhận, AmCham và các công ty thành viên rất hiểu việc phòng ngừa dịch bệnh là cần thiết, song nếu Việt Nam kéo dài thời gian giãn cách, doanh nghiệp gián đoạn hoạt động càng lâu thì sẽ mất thêm nhiều thời gian để phục hồi kinh tế cũng như cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng tới cả chuỗi cung ứng.
Đại diện AmCham cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ Mỹ hỗ trợ thêm vắc xin cho Việt Nam và mong muốn Việt Nam nới lỏng hoạt động sản xuất không chỉ ở vùng xanh mà cả vùng cam.
"Chính quyền địa phương hiểu rõ việc chia vùng có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế. Doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cần mở cửa trở lại sớm hơn. Việt Nam có tiềm năng lớn để đóng vai trò là một quốc gia trong sản xuất bền vững của sản phẩm dệt may, da giày", bà Tarnowka nói.
Trước phản ánh của doanh nghiệp dệt may, da giày, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đây là hai ngành đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Vị thế của Việt Nam cũng được khẳng định và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh tiếp cận vắc xin, nguồn thuốc để chữa trị COVID-19. Song, ông Hải cho biết, bất cập ở các địa phương là áp dụng chỉ thị khác nhau. Vừa qua, có thông tin TP.HCM phải đi đàm phán với từng tỉnh giáp ranh để người lao động dịch chuyển. Theo đó, cần phải tháo gỡ điểm bất cập này.
Còn với nhãn hàng, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định: "Việt Nam là địa điểm thuận lợi để hội tụ chuỗi cung ứng như địa lý, nhân công, đầu vào giá rẻ và hợp lý. Chuỗi cung ứng trong dệt may và da giày được thiết lập khá sâu ở Việt Nam".
"Việt Nam kêu gọi các bạn tin tưởng vào chúng tôi, nỗ lực vượt qua khó khăn trong giai đoạn vừa qua, khôi phục sản xuất cao nhất, giúp cho doanh nghiệp sản xuất, nhãn hàng duy trì mở rộng sản xuất", ông Hải nói.
Nhật Linh