Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 8/2019 ước đạt 937 triệu USD, lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,66 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang Mỹ đang tăng trưởng tốt (Ảnh: Internet) |
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc duy trì vị trí 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với 80,2% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Trong đó, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng tốt do Việt Nam tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo Số liệu thống kê từ Trung tâm Cải cách kinh tế Indonesia, trong tháng 4/2018, thị phần đồ gỗ nội, ngoại thất của Trung Quốc tại thị trường Mỹ là 48%, trong khi đó, Việt Nam chỉ chiếm 7,4% và Indonesia là 1,63%. Trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, tính đến tháng 4/2019, thị phần của Trung Quốc giảm 2%, xuống còn 46%, trong khi đó, thị phần của Việt Nam tăng thêm 3,1% lên mức 10,5% và của Indonesia chỉ tăng 0,02%, lên mức 1,65%.
Tuy nhiên, nhằm giảm thiểu những rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương rà soát tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI; các dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng như từ Trung Quốc vào Việt Nam. Quy trình cấp phép chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cũng cần phải được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện.
Các hiệp hội chú trọng việc cập nhật thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên, tránh các rủi ro không đáng có trong thương mại.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần quan tâm chú trọng đầu tư, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, áp dụng công nghệ quản lý mới, nâng cao chất lượng, tay nghề công nhân để giảm giá thành, tăng năng suất lao động để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường EU.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng thông qua việc tập trung nguồn lực thực hiện chuyên môn hóa, giảm chi phí giao dịch và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Thy Lê