Tham dự diễn đàn về công nghiệp chế biến, xuất khẩu (XK) gỗ, lâm sản – lĩnh vực Việt Nam hiện đứng top 5 thế giới với kim ngạch XK khoảng 9,4 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra một số câu hỏi lớn để ngành này tìm câu trả lời phát triển cho chính mình và đất nước.
Thủ tướng đặt vấn đề: Theo tốc độ phát triển hiện nay, sau 10 năm nữa, Việt Nam có thể chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần toàn cầu? Ngành cần nhận thức rõ Việt Nam phải là trung tâm về chế biến, XK gỗ hàng đầu thế giới.
Không "thỏa mãn non"
"Làm thế nào biến Việt Nam trở thành công xưởng XK đồ gỗ của thế giới. Không phải kim ngạch XK đồ gỗ trên dưới 10 tỷ USD mà chúng ta đã thỏa mãn – đó là thỏa mãn non. Sau 10 năm nữa, chúng ta có thể chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần toàn cầu? Có trở thành trung tâm chế biến gỗ? Đây là câu hỏi lớn, ngành cần chiến lược lớn để thực hiện", Thủ tướng nêu yêu cầu.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, Việt Nam có khoảng 4.500 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và lâm sản, nhưng kim ngạch XK đồ gỗ mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu.
Ngành công nghiệp chế biến, XK gỗ, lâm sản cũng đối mặt với những thách thức, nhất là sự thiếu hợp tác, liên kết giữa các DN sản xuất, chế biến và XK với người trồng rừng để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng; gỗ rừng trồng chủ yếu nhỏ, khai thác sớm, chất lượng thấp, cùng với sự phát triển nhanh của các cơ sở chế biến gỗ nên thiếu chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng, trong khi nguyên liệu nhập khẩu ngày càng khan hiếm và đắt đỏ hơn…
Hơn ai hết, DN ngành gỗ đều biết rõ những khó khăn, bất cập mà ngành này đang gặp phải. Đại diện CTCP Kỹ nghệ Tiến Đạt thẳng thắn cho biết, DN Việt Nam đang nhận được sự chuyển dịch nhu cầu mua hàng rất lớn (từ các thị trường khác chuyển về), nhiều DN trong 2-3 ngày tiếp một đoàn khách Mỹ nhưng đến hiện nay chưa nhiều DN tiếp cận được thị trường rộng lớn bậc nhất thế giới này.
Hiện nay, người mua hàng ở thị trường Mỹ đang chia ra làm hai thái cực: đến Việt Nam tìm thị trường nhưng mới dừng ở việc làm giá và làm mẫu; đến Việt Nam tìm thị trường đích thực, rất quyết liệt, quyết tâm thay đổi nhà cung ứng (Trung Quốc thay bằng Việt Nam).
Để trở thành nhà cung ứng chiến lược, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thường một nhà cung cấp phải mất 8-12 tháng, thực tế đang phát triển rất chậm.
"Nếu chúng ta nhìn nhận một cách thấu đáo, nhiều DN Việt Nam thực tế còn có khoảng cách phát triển rất xa so với DN Trung Quốc, có khi hàng thập kỷ. Chính vì vậy, một số DN Mỹ mua hàng mới dừng ở việc chào giá và làm mẫu để chờ kết quả đàm phán Mỹ – Trung hoặc tiếp tục mua hàng của các nhà máy Trung Quốc chuyển dịch về Việt Nam đầu tư – thực tế đang diễn ra ở Bình Dương, Đồng Nai rất nhộn nhịp", đại diện công ty Tiến Đạt cho biết.
Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng gặp rất nhiều khó khăn do chưa nhận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc CTCP WoodLand, cho biết chế biến lâm sản có nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế nhưng vẫn chưa nhận được nhiều ưu đãi như các ngành nghề chế biến nông, thủy sản.
Chưa kể đông đảo DN sản xuất khác trong ngành chế biến gỗ đang gặp phải khó khăn rất lớn trong việc thu mua nguyên liệu, mà nguyên nhân chính là do thương lái trên thị trường thu mua mạnh mẽ để xuất đi nước ngoài dưới dạng nguyên liệu thô.
Nguyên nhân là do nhiều nước trong khu vực đã có chính sách thắt chặt nguồn nguyên liệu từ rừng. Đồng thời, một số thương lái và rất nhiều DN XK, chủ yếu là các công ty thương mại đã lợi dụng kẽ hở trong các quy định về thuế suất các mặt hàng trên, khai báo mức giá hàng hóa trên tờ khai XK thật thấp nhằm nộp thuế XK thấp hơn mức quy định.
Thủ tướng đặt yêu cầu Việt Nam phải là công xưởng đồ gỗ của thế giới |
DN đổi mới, Nhà nước đồng hành
Theo bà Dương Thị Tú Trinh, công ty TNHH Thượng Nguyên, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn biến mạnh mẽ, những công nghệ chế biến, sản xuất gỗ liên tục được cho ra đời và các DN Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này. Công nghệ hiện đại trong chế biến gỗ có yếu tố quyết định trong việc tăng tốc phát triển bền vững cho ngành gỗ.
Vì vậy, đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các DN chế biến gỗ chỉ có một hướng đi là cải tiến phát triển bắt kịp xu thế về công nghệ máy móc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Muốn làm được điều này, Nhà nước nên tạo điều kiện về vốn để các DN chế biến gỗ có thể mua được những công nghệ của các nước như Đức, Ý, Nhật, hay ít nhất cũng là Đài Loan (Trung Quốc) để DN tự sản xuất máy móc mang thương hiệu Việt. Nếu để DN chế biến gỗ tự tìm mua công nghệ thì hiện nay không đủ lực với những ràng buộc và kinh phí lên tới hàng triệu USD.
Bên cạnh đó, đa phần các ý kiến cho rằng để ngành gỗ bứt phá đạt được mục tiêu XK 20 tỷ USD tới năm 2025, mỗi DN Việt Nam cũng phải đổi mới. DN phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối, xây dựng độ ổn định và bền vững về nguồn cung ứng nguyên liệu và môi trường, áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng thiết kế mẫu phù hợp với thị hiếu của thị trường.
Trước thực trạng phát triển của ngành gỗ, Thủ tướng cho rằng: Muốn đi xa thì phải cùng đi. Nếu chỉ trông chờ vào số lượng các DN như hiện nay thì rất khó sau 10 năm nữa có thể chiếm được thị phần chi phối trên thế giới. Phải kêu gọi, phải hợp tác thật nhiều với các DN, trong đó có cả các DN lớn, DN tầm trung và cả các DN nhỏ trên thế giới.
"Chúng ta cần biến Việt Nam trở thành một công xưởng của thật nhiều DN sản xuất, chế biến và XK đồ gỗ. Làm như vậy mới có thể thực hiện được khát vọng đưa ngành chế biến lâm sản Việt Nam tiến bước xa hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Lê Thúy
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các hiệp hội và các DN chế biến gỗ Việt Nam về thông tin thị trường, các quy định pháp lý về gỗ hợp pháp của các quốc gia, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ nội, ngoại thất quốc gia, DN có uy tín trên trường quốc tế. Đồng thời đầu tư khoa học công nghệ cao, đổi mới thiết bị sản xuất, thiết kế mẫu sản phẩm mỹ thuật, duy trì tăng trưởng ổn định tại các thị trường hiện có, tìm kiếm mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường mới nổi. Tổng Giám đốc CTCP WoodLand - Đỗ Thị Bạch Tuyết Trong năm 2019, tăng trưởng XK ngành gỗ đã có nhiều tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn tồn đọng những khó khăn và trở ngại. Để tháo gỡ khó khăn, cộng đồng DN mong muốn giảm tải các chi phí bất hợp lý còn tồn đọng trong các khâu thuộc chuỗi cung ứng; giảm thiểu xuất siêu nguyên liệu gỗ thô, bảo đảm nguồn nguyên liệu trong nước thông qua các chính sách thuế và kiểm soát việc thực hiện; kiến nghị Chính phủ áp dụng các ưu đãi về mức thuế thu nhập DN đối với ngành lâm nghiệp tương tự như với ngành nông nghiệp và thủy sản… Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Ngành gỗ cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế bất cập của ngành chế biến XK gỗ, lâm sản. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần nhìn nhận lại các chính sách, cơ chế hỗ trợ cho ngành này đã hợp lý chưa: Chính sách tín dụng nào hỗ trợ cho DN đầu tư vào chế biến. Làm sao tạo điều kiện cho người dân trồng rừng, phát triển rừng nguyên liệu. Làm thế nào để có nguồn nguyên liệu chất lượng và hợp pháp? |