Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản. Năm 2018 - thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá 2019, sáng 22/2.
Thủ tướng yêu cầu Việt Nam trở thành công xưởng xuất khẩu đồ gỗ của thế giới |
Thủ tướng nhắc lại nhiều thành quả mà ngành công nghiệp chế biến gỗ đã đạt được trong thời gian tới như kim ngạch xuất khẩu không chỉ vượt kế hoạch mà còn vươn lên đứng đầu Asean, thứ 2 châu Á, thứ 5 thế giới, XK tới trên 120 địa bàn quốc gia và lãnh thổ.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng Việt Nam là nước nông nghiệp nhiệt đới. Một nước "tam sơn tứ hải" nhưng mới chỉ chiếm 6% thị phần của thế giới về sản phẩm, sự đa dạng hấp dẫn sản phẩm đồ gỗ còn khiêm tốn. Đặc biệt, quy mô phát triển, tầm cỡ doanh nghiệp, số lượng thì có mà chất lượng còn nhiều vấn đề.
Tại Diễn đàn này, Thủ tướng đem theo một số câu hỏi lớn để ngành này tìm câu trả lời cho chính mình và đất nước.
Trong đó, ngành cần nhận thức rõ không có trồng rừng, không có phát triển chế biến lâm sản. Cái cốt lõi là phát triển nghề trồng rừng.
Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT thảo luận với Bộ Tài chính tìm ra phương thức hỗ trợ cho các tỉnh có đất trồng rừng để trồng.
Thủ tướng đặt hàng với ngành nông nghiệp, trong 10 năm tới, Việt Nam phải lọt nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, là trung tâm hàng đầu về chế biến, XK gỗ của thế giới. Trong khi mới đạt được 6% thị phần, còn 94% người ta vẫn nắm thị phần. "Sau 10 năm nữa, chúng ta có thể chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần toàn cầu? có trở thành trung tâm chế biến gỗ? Đây là câu hỏi lớn, ngành cần chiến lược lớn để thực hiện".
Ngoài ra, những câu hỏi như đất ở đâu để trồng rừng, trồng cây gì để hiệu quả tốt nhất, thiết kế nội thất thế giới sẽ theo xu hướng nào? Các địa phương cần phải trả lời. Trồng rừng, chế biến XK gỗ là điều mà tỉnh nào cũng làm được, chỉ có điều cần nghiên cứu, phân công cho hợp lý.
Ngành cũng cần nhận diện rõ tiềm năng, nắm bắt thời cơ để phát triển bền vững. Chúng ta có nhiều DN gỗ nhưng chưa có DN lớn, vì vậy phải hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, không có DN bất thành sản xuất.
Bên cạnh đó, ngành cần tiếp tục củng cố nguồn nguyên liệu, làm sao có nguồn nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng, giúp DN liên tục xuất siêu ở mức cao.
"Chúng ta cũng cần có tính toán dài hơi hơn với các nước để phát triển thị trường. Ngành phải bám vào các FTA đã có và sắp tới ký để triển khai các thị trường chủ lực.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề: "Nhà nước đã có cơ chế đầu tư xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của ngành chưa, nhất là hạ tầng dân sinh, tiến bộ khoa học công nghệ, giống cây trồng. Chính sách tín dụng hỗ trợ cho DN đầu tư chế biến, tạo điều kiện cho DN trồng rừng, phát triển rừng trồng nguyên liệu".
Vấn đề nữa, xây dựng thương hiệu DN và cả thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức. Có nhiều DN nhưng thiếu thương hiệu, còn thông qua đối tác nước ngoài nên hiệu quả, giá trị được nhận còn thấp.
Chúng ta còn trăn trở nhiều mặt hàng hoàn toàn sản xuất được, nhưng vẫn phải nhập khẩu, do không có khả năng cạnh tranh.
Cuối cùng, Thủ tướng đề cập năm 2019, ngành đặt kế hoạch đạt 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu là quá thấp? Câu hỏi bao nhiêu, giải pháp ra sao? Ngành phải đặt mục tiêu vượt mức, đóng góp vào sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
"Làm thế nào biến Việt Nam trở thành công xưởng xuất khẩu đồ gỗ của thế giới. Một câu hỏi lớn, chứ không phải kim ngạch XK trên dưới 10 tỷ USD mà chúng ta đã thoả mãn rồi, đó là thỏa mãn non", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chưa kể, ngành cần tiếp tục chú ý công tác thiết kế mẫu mã, nghiên cứu khoa học ở viện, trường. Không có khoa học bất thành chế biến lâm sản.
Lê Thúy