Mới đây, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đưa ra Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Theo Ban soạn thảo, Nghị định này có mục tiêu bao trùm toàn bộ các vấn đề về "phát triển và quản lý ngành phân phối", cụ thể là khắc phục những bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành các văn bản quy định về phát triển và quản lý chợ; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), trung tâm mua sắm…
Thêm nhiều ràng buộc
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Dự thảo hướng tới mục tiêu "cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối", tuy nhiên những quy định dự kiến tại Nghị định lại được thiết kế theo hướng thêm nhiều ràng buộc một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Ví dụ như quy định về khuyến mãi, quảng bá, cách đặt tên siêu thị, TTTM… mà không rõ mục tiêu quản lý nhà nước cụ thể ở đây là gì, lại có thể dẫn tới sự can thiệp, cản trở bất hợp lý hoạt động của DN.
Bên cạnh đó, Dự thảo dự kiến một số quy định khống chế đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia hoạt động siêu thị, TTTM (ví dụ: yêu cầu về nhân sự là người Việt Nam, yêu cầu số lượng gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các DN nhỏ và vừa của Việt Nam…).
Riêng về siêu thị và TTTM, Dự thảo đưa ra các quy định như tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh; xây dựng, phòng cháy chữa cháy; an ninh, an toàn; vệ sinh môi trường…, VCCI cho rằng nội dung của giải pháp này có tính chất như một dạng điều kiện kinh doanh, trong khi hoạt động siêu thị, TTTM không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư.
Hơn nữa, các hoạt động kinh doanh trong siêu thị, TTTM liên quan đến nhiều loại hàng hóa khác nhau, tương ứng với các loại hàng hóa đó có những văn bản chuyên ngành điều chỉnh tương ứng và các văn bản này đã đủ để kiểm soát rủi ro đối với hoạt động này; các vấn đề về vệ sinh, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng cũng sẽ có hệ thống pháp luật tương ứng điều chỉnh.
Thậm chí, một số quy định có tính chất can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của DN như trong quản lý điểm kinh doanh tại chợ: Đơn vị kinh doanh khai thác phải "lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt".
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Ban Pháp chế, VCCI, cho rằng việc phê duyệt phương án kinh doanh của UBND là sự can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN một cách bất hợp lý. Hơn nữa, xét về tính minh bạch, đây được xem là một dạng giấy phép, tuy nhiên không rõ về tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép này.
Về hoạt động kinh doanh tại chợ, Dự thảo quy định "những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình (nông dân, thợ thủ công…) và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng dành cho người kinh doanh không thường xuyên tại chợ và phải chấp hành Nội quy chợ".
Quy định này dường như đang can thiệp vào mối quan hệ dân sự giữa DN kinh doanh khai thác chợ với người thuê địa điểm kinh doanh, bởi Nhà nước không thể yêu cầu người kinh doanh chợ phải dành chỗ cho các nhóm chủ thể nhất định (ví dụ trong trường hợp này phải có khu vực dành riêng cho người kinh doanh không thường xuyên).
"Trường hợp người kinh doanh chợ đã tổ chức khu vực bán hàng không thường xuyên nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu thì giải quyết như thế nào? Ngược lại, nếu số lượng có nhu cầu ít hơn số chỗ trong chợ thì DN khai thác chợ phải để nguyên chỗ trống không được khai thác, trong khi các chủ thể khác có nhu cầu lại không được? Quy định này vô hình trung sẽ không khuyến khích nhà đầu tư vào chợ", VCCI nêu vấn đề.
Dự thảo của Bộ Công Thương xây dựng quy định mỗi năm các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá |
Can thiệp quyền tự chủ
Đáng chú ý, về quản lý và điều hành siêu thị, TTTM, Dự thảo quy định "thời gian mở cửa: siêu thị, TTTM phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ sáng đến 22 giờ tối". Theo VCCI, như vậy là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN. Đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần/không nên can thiệp.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, bình luận đây là quy định cứng nhắc. Nhà nước không nên quản lý cả giờ giấc bán hàng của các siêu thị, TTTM mà nên giao cho các địa phương tự quản lý, qua đó siêu thị chấp hành.
"Ở Hà Nội, 11 giờ tối, siêu thị mở cửa vẫn còn có khách hàng, nhưng ở các tỉnh miền núi thì 9 giờ, người dân đã đóng cửa đi ngủ. Vậy thử hỏi siêu thị mở tới 10 giờ thì bán cho ai. Cái gì thống nhất được toàn quốc hãy quy định, còn lại xây dựng khung cho các địa phương tự điều chỉnh, phân quyền cho các địa phương giám sát", ông Phú nêu vấn đề.
Thêm vào đó, Dự thảo quy định mỗi năm các siêu thị, TTTM chỉ được tổ chức ba đợt bán hàng giảm giá; các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền. Theo các chuyên gia, việc giới hạn về khuyến mãi tại siêu thị, TTTM là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của DN một cách bất hợp lý.
Nếu lo ngại các đợt giảm giá tại siêu thị, TTTM sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo pháp luật cạnh tranh, chứ không phải kiểm soát riêng theo cách này.
Ông Phạm Tấn Đạt, CEO Fado.vn, cho rằng Nhà nước nên có cái nhìn cởi mở hơn trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nhất là đối với ngành thương mại điện tử, chiến lược giá, chiến thuật giá là rất quan trọng.
"Ví dụ đối với ngành dịch vụ, có những tour 0 đồng, vé máy bay 0 đồng thì mức trần khuyến mãi trong trường hợp này áp dụng như thế nào? Chính sách giá, chiến lược giá thay đổi hàng ngày hàng giờ chứ không thể đợi đến những đợt khuyến mãi tập trung được", ông Đạt chia sẻ.
Lê Thúy
Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Tôi thấy rằng Bộ Công Thương đang tập trung quá nhiều vào các quy định, yêu cầu mà quên mất các chính sách hỗ trợ để xây dựng đồng bộ ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam từ trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích… Chẳng hạn, hệ thống chợ hiện nay quá nhiều vấn đề: cơ sở vật chất cũ nát, giá mỗi người một kiểu, không ai kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, tại sao những vấn đề này không nêu ra để giải quyết? Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Ban Pháp chế (VCCI) Đề nghị Ban soạn thảo nêu rõ chi tiết các nội dung chính sách dự kiến, trong đó lưu ý đến các chính sách có tính chất là điều kiện kinh doanh, cần đảm bảo thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư 2014. Đánh giá tác động một cách kỹ càng, thận trọng đối với các chính sách, nhất là các chính sách có tính chất là nghĩa vụ của DN phải thực hiện. Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Những Luật sắp tới ban hành, nếu không thay đổi, vẫn theo lối tạo điều kiện kinh doanh can thiệp vào hoạt động kinh doanh, "giấy phép con cháu" thì chúng ta sẽ "đuổi" DN ra khỏi Việt Nam sớm hơn. |