Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Hiện, cả nước có 957 siêu thị tại 62 tỉnh, thành phố (chỉ Hà Giang là chưa có siêu thị) và 189 trung tâm thương mại tại 51 tỉnh, thành phố.
Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành, còn ở các khu vực nông thôn, ngoại thành chưa phát triển.
Nội đóng, ngoại mở
Theo dự thảo Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Bộ Công Thương, tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ 2025-2035 đạt khoảng 14,5%/năm.
Nhìn thấy cơ hội này, các doanh nghiệp (DN) ngoại đang có những chiến dịch mở rộng "chân rết" của mình như tiến sâu vào phân khúc đầu tư cửa hàng tiện lợi thay vì mô hình siêu thị, đại siêu thị như trước đây.
Hiện, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang chiếm hơn 70% thị phần cũng như doanh thu ở phân khúc cửa hàng tiện ích. Khoảng 3 năm trở lại đây, mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… phát triển rầm rộ với chuỗi cửa hàng Circle K, Bsmart, 7 – Eleven…
Mới vào Việt Nam tháng 6/2017, chuỗi 7 – Eleven cho biết sẽ mở 100 cửa hàng trong 3 năm tới và 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới.
Vừa mới xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian rất ngắn nhưng Circle K Việt Nam đã phát triển chóng mặt với 259 cửa hàng tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu…
Trong khi các DN ngoại không ngừng mở rộng hệ thống, trong cuộc đua này dường như DN trong nước chậm chân hơn. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan), cho biết DN này vừa đóng gần 60 cửa hàng trong 100 chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Nguyên nhân là vì các cửa hàng này hoạt động không hiệu quả, lượng khách đến mua không nhiều. Mặt khác, mặt bằng để kinh doanh chủ yếu đi thuê, đến thời hạn tái ký thuê, chủ nhà không đồng ý hoặc tăng giá cao nên công ty buộc phải ngưng và rời bỏ.
"Hiện nay, thị trường cạnh tranh rất khốc liệt nên nếu kinh doanh không hiệu quả thì đóng cửa để tìm hướng đi mới tốt hơn", ông An chia sẻ.
Hay lấn sân vào nhóm cửa hàng tiện lợi từ năm 2011, G7 (Trung Nguyên) đã quyết định đưa Ministop, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản về Việt Nam theo hình thức nhượng quyền. Tham vọng ban đầu là mở 500 cửa hàng trong 5 năm nhưng thực tế chỉ còn 17 cửa hàng. Không đạt mục tiêu, Ministop đã nói lời "chia tay" Trung Nguyên.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Nhất Nam, đánh giá cuộc đua trên thị trường bán lẻ ngày càng gay go và khốc liệt hơn giữa các DN trong nước với nhau và giữa DN nước ngoài với DN Việt Nam.
"Cuộc đua cạnh tranh này đã diễn ra từ năm 2012 đến nay, với mức độ khốc liệt ngày càng gia tăng. Sự cạnh tranh này giúp người tiêu dùng được hưởng lợi khi có thêm nhiều lựa chọn, nhưng đồng thời cũng khiến các hệ thống bán lẻ phải nhìn lại mình để hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng", bà Hậu cho biết.
Cửa hàng tiện lợi là "miếng bánh" hấp dẫn cả nhà bán lẻ nội lẫn ngoại |
"Bơi" chậm sẽ bị "nuốt"
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, đã từng thốt lên rằng bà lo lắng và buồn vì trong khi ngành bán lẻ của chúng ta đang cố gắng đi được những bước tiến nhỏ thì các nước trong khu vực lại đang… chạy.
Bà Loan nhận thấy cần phải thay đổi ngành bán lẻ, hướng tới tiếp tục tăng trưởng và đảm bảo tính cạnh tranh. Trong đó phải nhận thức rõ con đường chuyển dịch ngành phân phối bán lẻ Việt Nam từ khái niệm, quy mô, cấu trúc hệ thống và tập quán kinh doanh truyền thống sang một ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng không hề dễ dàng và đơn giản.
Trong khi đó, PGs.Ts. Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia thương mại, cho rằng các DN bán lẻ nội cần tập trung đầu tư cho các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Đơn cử như mô hình cửa hàng tiện lợi, hình thành một lực lượng đông đảo, phân bố rộng rãi, bám sát người tiêu dùng, len lỏi trong các khu dân cư, dọc theo các dãy phố, đặc biệt là khu vực nông thôn để cung ứng hàng hóa.
"Thực tế hiện nay, các DN bán lẻ phát triển mạnh nhưng hạ tầng thương mại của ngành đang gặp nhiều khó khăn khi mô hình các TTTM, siêu thị, chợ, đầu mối… cấp vùng rất ít, tập trung chủ yếu ở các thành phố", ông Xuân cho biết.
Ở góc độ chuyên gia, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nhìn nhận cửa hàng tiện lợi là "miếng bánh" hấp dẫn cả nhà bán lẻ nội lẫn ngoại. Thế nhưng, để chiếm được thị phần không dễ trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều "đại gia" bán lẻ. Việc một số DN phải đóng cửa trong bối cảnh này cũng khiến DN khác tham gia thị trường phải cẩn trọng hơn.
Theo ông Phú, ngay cả những "đại gia" đình đám trên thế giới cũng gặp phải những khó khăn ở thị trường họ từng thành công. Điển hình là 7-Eleven từng đạt được những thành công nhất định tại Indonesia nhưng cũng đã quyết định đóng cửa 136 cửa hàng ở nước này vì kinh doanh không thuận lợi.
Để cạnh tranh, các DN Việt cần có tổ chức kỹ thuật thương mại, nhận diện thương hiệu, chất lượng nguồn hàng, giá cả, chất lượng phục vụ, văn hóa kinh doanh. "Điểm quan trọng nhất để phát triển cửa hàng tiện lợi là con người. Con người chiếm 70% sự sống còn của cửa hàng tiện lợi, còn chất lượng hàng hóa, thiết bị chỉ chiếm 30%", ông Phú nói.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi kết hợp với hỗ trợ kỹ thuật của cộng đồng DN để từng bước "chuyển hóa" các cửa hiệu, quầy hàng của hơn 2 triệu hộ kinh doanh cá thể (tiểu thương) thành các cửa hàng tiện lợi, bán lẻ hàng hóa theo phương thức hiện đại, mở cửa cả ngày và liên tục trong tuần.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam, cơ hội tăng trưởng vẫn luôn hiện hữu và điều quan trọng là các DN có đầu tư tiền bạc cũng như nguồn lực để nắm bắt và chuyển mình để thích nghi với nhu cầu mới đến từ người tiêu dùng và thị trường.
Bà Quỳnh cho rằng các DN cần phải có những nghiên cứu cụ thể hơn nữa để xây dựng các chiến lược phát triển phù hợp cho từng khu vực địa lý cũng như từng kênh thương mại riêng biệt.
Lê Thúy
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Ngành thương mại và dịch vụ Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như tăng trưởng chưa bền vững, dịch vụ hỗ trợ hoạt động thương mại còn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, các hoạt động thương mại truyền thống chưa bắt kịp sự phát triển của thương mại điện tử, thương mại số hóa. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ còn thưa thớt. Bà Nguyễn Hương Quỳnh - Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam Các kênh thương mại hiện đại cũng đang có sự dịch chuyển tích cực, đặc biệt là các cửa hàng nhỏ trong hệ thống các cửa hàng hiện đại (cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini…) đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng cửa tiệm trong vài năm qua. Thị trường sẽ tiếp tục bàn luận nhiều hơn câu chuyện về "cá nhanh nuốt cá chậm" trong năm 2018 khi tốc độ thay đổi mạnh mẽ của hành vi người tiêu dùng, công nghệ và các mô hình kinh doanh cũng như các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các DN. Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Chúng ta cần thay đổi ngành bán lẻ hướng tới tiếp tục tăng trưởng nhanh và đảm bảo tính cạnh tranh. Muốn thay đổi thì nhất thiết phải có chiến lược cụ thể, thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo và nếu ai chậm chân trong lĩnh vực này sẽ thua và ra khỏi thị trường. |