Trước việc thị trường bán lẻ cạnh tranh gay gắt với sự lấn át của khối ngoại hiện nay, một số "ông lớn" trong ngành bán lẻ nội đã và đang xác định cho mình hướng đi riêng.
Đơn cử như trước xu thế khối ngoại phát triển cửa hàng tiện lợi, một doanh nghiệp (DN) nội là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng gây dựng cho mình chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Chọn hướng đi riêng
Tuy nhiên, cách mà Satra làm là không đi theo cung cách bán hàng FMCG (hàng tiêu dùng nhanh), mà chọn một phân khúc khác là thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày của khách hàng. Satra đã phát triển chuỗi cửa hàng này với thương hiệu Satrafood đạt con số 155 cửa hàng vào cuối năm 2017.
Sài Gòn Co.op, để tiếp tục khẳng định vị thế là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, trong năm 2018, DN này xác định một số định hướng cơ bản như: Phát triển mạng lưới và xây dựng mô hình kinh doanh mới với 19 Co.opmart, 2 Co.opXtra, 170 Co.op Food, 150 cửa hàng Co.opSmile, 50 cửa hàng tiện lợi Cheers, 1 Co.opmart phân khúc cao (Finelife), kết nối đa phương tiện với các hình thức mua sắm khác.
Nhà bán lẻ này hồi năm ngoái đã phát triển thành công thêm 130 điểm bán mới gồm Co.opmart, Sense City, Co.op Smile, Co.op Food. Trong đó, Sài Gòn Co.op đẩy mạnh mở rộng phát triển mạng lưới Co.op Food tại các tỉnh, thành lớn với 16 cửa hàng. Saigon Co.op còn cho ra hai mô hình kinh doanh mới là Sense Market và cửa hàng tiện lợi Cheers.
Đây là hai tên tuổi nội điển hình trong ngành bán lẻ hiện đại ở Tp.HCM đang nỗ lực để vừa giữ thị phần vừa có hướng đi riêng và mới để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, làm sao để các nhà bán lẻ nội khác (với tiềm lực có hạn) cũng có thể có chỗ đứng như vậy trước sức ép của khối ngoại là cả bài toán nan giải đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách bán lẻ hiện nay.
Sở Công Thương Tp.HCM vào ngày 15/5 đã tổ chức một hội thảo xoay quanh vấn đề này, tập hợp lại một số nhà bán lẻ nội để bàn về giải pháp phát triển thị trường bán lẻ thành phố gắn với sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong nước hiện nay.
Rất tiếc, vì lý do nào đó mà phía báo chí đã không được phép tham dự hội thảo này để có thể biết những giải pháp sắp tới là gì nhằm giúp các nhà bán lẻ nội địa củng cố thị trường tiêu thụ hay tăng doanh thu, phát triển thương hiệu, kết nối cung – cầu hoặc củng cố thị phần…
Vẫn có sự tự tin nhất định của khối nội trước khối ngoại trong các mô hình bán lẻ |
Cửa khác sẽ mở ra
Riêng về vấn đề kết nối, đưa hàng hóa sản xuất trong nước vào hệ thống siêu thị của các nhà bán lẻ nội địa hiện nay, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Satra, cho biết vẫn còn gặp không ít khó khăn về thủ tục pháp lý, các yếu tố về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là có những DN nhỏ và vừa không có điều kiện hoàn thành các thủ tục, thường tốn nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ để có thể cung ứng hàng.
Trong khi đó, để có thể cạnh tranh, bản thân Satra hay Saigon Co.op cũng phải liên tục hoàn thiện, khép kín chuỗi sản xuất – cung ứng – cất trữ – vận chuyển để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Họ còn phải tập trung đầu tư cho sản xuất chế biến và logistics, đặc biệt là hệ thống kho lạnh, vận tải lạnh… để tận dụng tối đa lợi thế chuỗi, nhằm đưa năng lực cạnh tranh lên cao hơn nữa trên thị trường bán lẻ.
Theo giới chuyên gia, dù có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thị trường bán lẻ Việt Nam, cơ hội dành cho các nhà bán lẻ nội, vẫn còn khá lớn. Thực tế là họ vẫn đang có thị phần đáng kể, mặc cho hệ thống đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi do khối ngoại đầu tư đang "mọc lên như nấm".
Nên nhớ rằng ngoài mảng bán lẻ hiện đại, các mô hình bán lẻ truyền thống vẫn đang hoàn toàn thuộc về các cơ sở kinh doanh bán lẻ Việt. Một cuộc thăm dò trong năm 2018 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy cửa hàng chuyên hay cửa hàng tạp phẩm gia đình bán giá sỉ, cửa hàng đại lý vẫn còn là ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng do những lợi thế riêng…
Trên thực tế, các kênh bán lẻ truyền thống của các hộ kinh doanh cá thể sở hữu vẫn còn sức hút đối với người tiêu dùng, tuy sức mua có giảm và đã xuất hiện xu hướng chuyển dịch sang các kênh phân phối hiện đại. Có thể thấy kênh bán lẻ truyền thống nói chung vẫn chiếm tỷ lệ khá cao với 65% người tiêu dùng chọn mua sản phẩm.
Đặc biệt, cửa hàng chuyên hay cửa hàng tạp phẩm gia đình bán giá sỉ, cửa hàng đại lý (cao hơn tiệm tạp hóa) vẫn là ưu tiên trong lựa chọn của người tiêu dùng (chiếm 46%), do những lợi thế mang lại cho họ như gần nhà, sản phẩm chất lượng, giá rẻ, sự ân cần thân thiện của nhân viên hay chủ cửa hiệu và sự thuận tiện trong lựa chọn.
Điều này cho thấy vẫn có sự tự tin nhất định của khối nội trong sự cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài ở các mô hình bán lẻ, đặc biệt là mô hình truyền thống hoặc hướng đi riêng và mới của một số tên tuổi DN nội trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại.
Chính áp lực cạnh tranh sẽ cho thấy "cửa này đóng thì cửa khác sẽ mở ra" nếu các nhà bán lẻ nội địa chịu khó hành động.
Thế Vinh