Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2019, tổng trị giá xuất khẩu (XK) cả nước đạt 9,2 tỷ USD, giảm nhẹ 71 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, nhập khẩu (NK) đạt gần 10,2 tỷ USD, tăng mạnh 647 triệu USD so với cùng kỳ. Như vậy, 15 ngày đầu năm mới 2019, cán cân thương mại của Việt Nam bị thâm hụt gần 1 tỷ USD.
Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Số liệu 15 ngày chưa thể khẳng định điều gì, tuy nhiên, nhìn rộng ra cả năm, nỗi lo nhập siêu đang hiện rõ. Hiện nay, tỷ lệ NK lớn về nguyên nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong nhiều ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài, khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa XK.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu NK năm nay dự kiến tăng cao bởi XK được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng, đặc biệt là ở những ngành hàng còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng của nước ngoài. Do vậy, dự báo NK nhóm hàng này (nhóm cần NK) tiếp tục tăng trưởng cao.
Một trong những nguyên nhân là do năng lực của DN Việt khi tham gia chuỗi cung ứng của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hạn chế.
Với ngành da giày, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, cho biết năng lực sản xuất của công nghiệp hỗ trợ ngành này còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu. Chất lượng sản phẩm nguyên phụ liệu sản xuất tại Việt Nam chưa cao.
Các DN quy mô sản xuất nhỏ khó đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ giao hàng, trong khi thị trường thay đổi nhanh về mẫu mã và vật liệu. Sản phẩm nguyên phụ liệu sản xuất tại Việt Nam khó cạnh tranh về giá so với nguyên phụ liệu NK từ Trung Quốc.
Đế, phom, phụ liệu dệt, phụ liệu trang trí, keo dán, bao bì, vải canvas có tỷ lệ cung ứng trong nước khá cao (50- 100%) nhưng lại có giá trị thấp. Trong khi da thuộc, giả da tổng hợp có số lượng và trị giá lớn nhất thì tỷ lệ sản xuất trong nước thấp (chỉ 30-40%). Tỷ lệ nội địa hóa trung bình (nguyên phụ liệu sản xuất trong nước) đạt 55-60%.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng dự báo năm 2019 và các năm tiếp theo, với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP hay EVFTA sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các DN trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ hai thị trường lớn này. Do vậy, việc NK công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng.
"Những điều này dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ đang xuất siêu sang nhập siêu", Bộ Công Thương lo ngại.
Mặt khác, ở chiều XK, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết các mặt hàng nông, thủy sản XK còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ đang xuất siêu sang nhập siêu |
Xuất khẩu ngày càng khó
XK năm 2019 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức, cụ thể như nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi nhiều quốc gia đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn NK dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong XK hàng hóa nông thủy sản.
Dự báo năm 2019, giá XK nông sản khó có khả năng tăng như năm 2017 và có xu hướng ổn định như năm 2018, do vậy, đây không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng XK. Bên cạnh đó, các năng lực sản xuất mới đến từ đầu tư công nghệ chế biến nông sản chưa tạo ra nhiều kỳ vọng tăng trưởng về giá và nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa XK.
Cùng với CPTPP, EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào 2019 – cơ hội là rất lớn nhưng thách thức không hề nhỏ. Bà Phạm Thị Dự, Đại học Thương mại, đánh giá các yêu cầu về quy tắc xuất xứ có thể khó đáp ứng.
Ví dụ trong ngành hàng điều, EU có quy định tương đối chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ với hạt điều khi xem công đoạn gia công bóc vỏ hạt điều là chế biến giản đơn nên bắt buộc mặt hàng điều nhân của Việt Nam muốn đạt nguồn gốc xuất xứ phải chế biến từ nguồn điều nguyên liệu sản xuất trong nước.
Trong khi đó, Việt Nam đang NK rất nhiều điều nguyên liệu (63% nhu cầu chế biến) từ Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria để sản xuất chế biến.
Với ngành gỗ, Việt Nam đang NK gỗ nguyên liệu chủ yếu từ Lào và Campuchia (chiếm 39,38% tổng kim ngạch NK gỗ). Đây là các nước ngoại khối và thường không có chứng chỉ nguồn gốc hợp pháp, do đó Việt Nam cũng khó khăn trong đáp ứng cam kết này. Điều đó đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải tìm kiếm nguồn hàng NK nguyên liệu mới như thị trường EU… hoặc phát triển vùng nguyên liệu nội địa.
Đặc biệt, thương hiệu sản phẩm Việt Nam vẫn còn yếu. Hàng hóa Việt Nam vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến, hiệu quả của công tác quảng bá và thúc đẩy các sản phẩm chưa cao, Việt Nam cũng chưa phải là quốc gia có nguồn hàng hóa chất lượng cao.
Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cũng cho biết trong thời gian tới, một số ngành hàng có nguy cơ khó đáp ứng các quy định về xuất xứ, như hạt điều, gỗ… khi một số FTA quy định nguyên liệu đầu vào phải có nguồn gốc xuất xứ thuần túy.
Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải tìm kiếm nguồn hàng NK nguyên liệu mới từ các nước nội khối hoặc phát triển vùng nguyên liệu nội địa.
Cùng với đó, một số nông sản của Việt Nam, như thủy sản, hồ tiêu, gạo… vẫn còn có những lô hàng XK chưa đáp ứng được các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu.
"Việc không tuân thủ các quy định này khiến nông sản Việt Nam bị mất uy tín, thậm chí có nguy cơ mất quyền XK. Bên cạnh đó, nhiều DN Việt Nam cũng gặp khó khăn trong đáp ứng các yêu cầu về dán nhãn, đóng gói do trình độ công nghệ, quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế", ông Doanh cảnh báo.
Năm nay, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch XK đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8 – 10% so với năm 2018; NK khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch XK tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%.
Tuy nhiên, ngay tại hội nghị triển khai kế hoạch 2019 của ngành công thương, Thủ tướng đã bày tỏ không đồng tình với mục tiêu này. Thủ tướng cho rằng cần phải có giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh XK và nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời phấn đấu trở thành công xưởng sản xuất của thế giới.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam Để thoát cảnh lệ thuộc nguyên phụ liệu NK, ngành da giày – túi xách cần phải hình thành các DN sản xuất nguyên phụ liệu chuyên môn hóa và phân công lao động cao. Thu hút đầu tư nước ngoài để mở rộng sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Lựa chọn các mặt hàng nguyên vật liệu, phụ liệu có nhu cầu lớn và Việt Nam có lợi thế để đầu tư sản xuất, cụ thể là ưu tiên đầu tư sản xuất da thuộc, giả da tổng hợp, vải dệt cao cấp. Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Thời gian tới, sản phẩm nông nghiệp sẽ gặp phải cạnh tranh khốc liệt từ hàng NK. Việc cắt giảm thuế NK sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước, không chỉ về giá mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, muốn cạnh tranh, ngành nông nghiệp cần phải áp dụng công nghệ để hạ giá thành, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu. Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Thông qua các chương trình hợp tác với Samsung, chúng tôi lựa chọn hàng trăm DN công nghiệp hỗ trợ nhưng chỉ có khoảng 20 DN đi đến bước thứ hai là cam kết và có sự đầu tư. Đến bước cuối – số DN có sản phẩm để cung cấp trực tiếp cho Samsung chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này cho thấy để có thêm nhiều DN Việt Nam đủ năng lực cung cấp nguyên vật liệu cho các tập đoàn đa quốc gia, một mặt cần có thêm thời gian, mặt khác cần sự chung sức của cơ quan nhà nước và sự nỗ lực của DN. |