Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy, đóng góp chủ yếu cho thành tích xuất khẩu và xuất siêu của cả nước những tháng đầu năm vẫn là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) với các nhóm hàng hóa chủ đạo là: Điện thoại và linh kiện khi tăng 70,7% so với cùng kỳ năm 2017, tương ứng tăng 1,12 tỷ USD; hàng dệt may tăng 2,7 lần tương ứng tăng 788 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 53,6%, tương ứng tăng 370 triệu USD…
Ảnh minh họa |
Cụ thể, trong nửa đầu tháng 3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực DN FDI đạt đạt 7,35 tỷ USD, tăng 84,3% (tương ứng tăng 3,36 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 2. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3 kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đạt 31,86 tỷ USD, tăng 29,4% tương ứng tăng 7,25 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm đến 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của khối này trong nửa đầu tháng 3 đạt 5,48 tỷ USD, tăng 37,4% (tương ứng tăng 1,49 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 2; lũy kế từ đầu năm đạt 25,71 tỷ USD, tăng 16,7%, tương ứng tăng 3,67 tỷ USD, chiếm 59,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Như vậy khu vực FDI tiếp tục xuất siêu tới 1,87 tỷ USD trong nửa đầu tháng 3, nâng mức xuất siêu của khu vực này kể từ đầu năm lên 6,15 tỷ USD. Điều đó cũng có nghĩa khu vực 100% vốn trong nước nhập siêu 1,01 tỷ USD trong nửa đầu tháng 3 và nhập siêu 4,76 tỷ USD kể từ đầu năm.
"Bức tranh xuất nhập khẩu những tháng đầu năm vẫn cho thấy những điểm bất cập cố hữu đã tồn tại nhiều năm qua khi xuất khẩu, xuất siêu vẫn phụ thuộc lớn vào khu vực FDI. Điều đó cũng phần nào cho thấy mức độ lan tỏa của các dự án FDI đến khu vực kinh tế trong nước vẫn còn khá yếu", một chuyên gia đánh giá.
Công Trí