Trong vụ phanh phui về xuất xứ hàng hoá của Tập đoàn điện tử Asanzo – một doanh nghiệp (DN) nội địa tại Tp.HCM, nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại ghi “xuất xứ Việt Nam” trên sản phẩm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), cho rằng việc cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của Asanzo là vi phạm điều lệ sử dụng danh hiệu HVNCLC mà DN này đã cam kết khi nhận.
Gây hại ngành sản xuất
Hội DN HVNCLC đã thấy sai về vấn đề ghi xuất xứ hàng hoá của DN trong chuyện này. Lẽ đương nhiên, các cơ quan quản lý có liên quan cũng nên sớm có các động thái làm rõ.
Việc ghi, chứng nhận xuất xứ hàng hoá sản phẩm của DN như thế nào cho phù hợp ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trước các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia.
Theo chuyên gia Nguyễn Thuỳ Dương (Đại học Luật Hà Nội), khi một FTA có hiệu lực, các DN thường dành nhiều quan tâm đến các quy định về ưu đãi thuế quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên ký kết FTA.
Bà Dương cho rằng nếu các quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hoá lỏng lẻo, không kiểm soát và phát hiện được các trường hợp gian lận về xuất xứ nhằm được hưởng ưu đãi thuế sẽ khiến cho các quốc gia thành viên bị thiệt hại về nguồn thu thuế, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất nội địa, làm giảm lợi ích của việc tham gia các FTA.
Trở lại câu chuyện mặt hàng điện tử ghi “xuất xứ Việt Nam” của Asanzo, rất may là DN này chỉ tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa, có bán chút ít tại thị trường Lào, chứ chưa XK sản phẩm vào những thị trường có FTA, nhất là các FTA thế hệ mới vốn đặt nặng về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.
Đơn cử như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chuyên gia Nguyễn Thuỳ Dương cho biết theo quy định tại Điều 3.27 Hiệp định CPTPP, khi một DN bị phát hiện gian lận về chứng nhận xuất xứ đối với một loại hàng hoá, Hiệp định CPTPP còn cho phép các quốc gia thành viên có thể áp dụng biện pháp từ chối cho hưởng ưu đãi với các hàng hoá tương tự đến từ quốc gia xuất khẩu đó chứ không chỉ riêng đối với DN này, như vậy sẽ gây thiệt hại cho toàn bộ một ngành sản xuất của Việt Nam.
Từ đây có thể thấy có nhiều hệ luỵ xấu nếu như một DN cố tình gian lận xuất xứ. Điều này lý giải vì sao ở một thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ đôi khi vẫn gây khó dễ cho hàng Việt với những nghi ngờ về xuất xứ.
Cần nhắc lại, hồi tháng 5 vừa qua, Tổng cục Hải quan có công văn yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên nhãn hàng hóa thể hiện “Made in Vietnam” lừa người tiêu dùng (NTD).
![]() |
Nhiều hệ luỵ xấu nếu DN cố tình gian lận xuất xứ |
Lỗ hổng quản lý?
Mặt hàng điện tử được cho là một trong những hàng hóa chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc nhưng việc giả xuất xứ Việt Nam là điều cần cảnh báo. Đặc biệt là hàng hóa điện máy được sản xuất, nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng trên nhãn hàng hóa đã thể hiện “Made in Vietnam”, mã vạch, địa chỉ của DN sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa nhập khẩu được các thương nhân Việt Nam sang Trung Quốc đặt hàng và nhập về Việt Nam.
Số liệu thống kê mới đây từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu chính trong 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đã đạt tới 5,05 tỷ USD, tăng mạnh 80,8% so cùng kỳ năm trước. Điều này càng khiến cho NTD tăng thêm nghi ngờ về xuất xứ của các sản phẩm điện tử trên thị trường nội địa hiện nay.
Còn với Asanzo, dù nhập khẩu hàng hoá, linh kiện từ Trung Quốc, tuy không ghi trên sản phẩm là “Made in Vietnam” nhưng lại ghi “xuất xứ Việt Nam” cũng là điều mà cơ quan quản lý cần làm rõ về cách “đánh lận” xuất xứ này.
Thực tế có không ít DN điện tử lách luật bằng cách tháo rời các hàng hóa máy móc điện tử từ Trung Quốc thành một vài nhóm linh kiện rồi nhập về Việt Nam.
Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, một số DN còn “phân công” mỗi DN nhập một số bộ phận (của cùng nhà sản xuất tại Trung Quốc) rồi đưa về cùng nhà máy để lắp ráp lại thành sản phẩm điện tử gia dụng hoàn thiện và ghi “xuất xứ Việt Nam”.
Vấn đề xuất xứ hàng hoá của Asanzo không chỉ là câu chuyện riêng lẻ của DN này, mà đó còn là câu chuyện của các cơ quan quản lý và của cả NTD. Niềm tin của NTD vào uy tín của hàng Việt bị xói mòn, sẽ càng tạo ra những “lỗ hổng”. Trong khi đó, chính các DN sản xuất ra hàng hoá là chủ thể hiểu rõ nhất quy trình sản xuất hàng hoá của mình như thế nào.
Với xuất xứ hàng hoá vào những thị trường các FTA thế hệ mới, theo bà Nguyễn Thuỳ Dương, vấn đề lớn đối với Việt Nam là thực hiện vai trò của quốc gia nhập khẩu hàng hoá. Việt Nam cần phải xây dựng các quy định chặt chẽ trong hệ thống pháp luật để bảo đảm thực hiện cơ chế xác minh xuất xứ một cách bảo đảm, giúp phát hiện được các gian lận về thuế quan khi hàng hoá được nhập khẩu vào, tránh gian lận về thuế quan dẫn tới thất thu ngân sách nhà nước.
Thế Vinh