Ảnh minh họa |
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU hiện nay là các mặt hàng da giày, dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ… Đây cũng là các mặt hàng yêu cầu tự chứng nhận xuất xứ nhiều nhất.
Theo các chuyên gia kinh tế, tự chứng nhận xuất xứ không chỉ giúp doanh nghiệp tự chủ động được các đơn hàng xuất khẩu, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực mà còn là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu phát triển, góp phần gia tăng lượng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU một cách nhanh chóng, bền vững.
Bên cạnh đó, ông Hải cho biết, trước đây, số lượng doanh nghiệp được trao quyền tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa chưa nhiều, do làm thí điểm nên doanh nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chí về kim ngạch xuất khẩu, độ uy tín mới được các cơ quan chức năng công nhận kết quả tự chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, đến năm 2019, hoạt động tự chứng nhận xuất xứ sẽ dễ dàng hơn và mở rộng hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xuất khẩu vào EU sẽ rộng mở hơn.
Thêm vào đó, cũng theo các chuyên gia, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào EU không chỉ đem lại nhiều lợi ích hơn cách làm truyền thống, mà doanh nghiệp còn có thể chủ động trong phát hành hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ, từ đó giảm chi phí giao dịch... Đồng thời giúp doanh nghiệp nắm bắt sâu cam kết về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do, qua đó tận dụng tối đa lợi ích cắt giảm thuế quan.
Công Trí