Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết điều này tại Hội thảo Quốc tế Phát triển Năng lượng tái tạo (NLTT) hướng tới giảm thiểu carbon tại Việt Nam sáng 12/3 tại Hà Nội.
Tổng công suất nguồn điện từ NLTT chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, với vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp mạnh, Việt Nam có nguồn NLTT dồi dào và đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học...
Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng NLTT cho thấy đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ; 20.000 MW điện gió; 3.000 MW điện sinh khối; 35.000 MW điện mặt trời.
Chiến lược phát triển NLTT cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050. Về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.
Để khuyến khích phát triển NLTT, phục vụ các mục tiêu phát triển nêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt cơ chế như Feed-in-Tariff Mechanism cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối... Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng Hợp đồng mua bán điện (PPA) mẫu...
Với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, chúng ta đang chứng kiến một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển NLTT tại Việt Nam. Đến cuối năm 2018, đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW.
Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án đã ký PPA, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW.
Tổng công suất nguồn điện từ NLTT (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng thừa nhận, việc phát triển nhanh các nguồn NLTT trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức: chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về NLTT chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ NLTT trong hệ thống tăng lên... Trong thời gian tới, sẽ cần có một chương trình để giải quyết lần lượt các bất cập này.
Lê Thúy