Phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam. Theo đó, thị trường Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh; thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Số lượng tăng, dư địa vẫn nhiều
Tại hội nghị tổng kết vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm giại đoạn từ 1/2/2017 - 30/6/2018 ngày 8/10, theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), thực hiện lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/7/2012. Trải qua 6 năm vận hành, đến nay, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả tích cực khi có 87 nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường, với tổng công suất đạt 22.946MW, tăng 2,8 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường (31 nhà máy).
Thị trường điện cạnh tranh vẫn còn nhiều việc phải làm |
Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực, thị trường phát điện cạnh tranh đã giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu toàn hệ thống, tạo động lực và sự tin tưởng để thu hút các nhà đầu tư.
Các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống.
Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý, thị trường phát điện cạnh tranh vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng. Cụ thể, số lượng các nhà máy tham gia thị trường ngày càng nhiều nhưng thị phần theo công suất của 87 nhà máy trên toàn hệ thống điện (tính đến ngày 30/6/2018) chỉ đạt 49%. Điều này cho thấy vẫn còn có dư địa để đưa thêm các nhà máy tham gia vào thị trường điện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các nhà máy tham gia thị trường phát điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ông Phùng Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 cho biết, đối với các nhà máy nhiệt điện, do chào giá theo chi phí biến đổi nên giá thị trường trong ngày thay đổi theo từng chu kỳ giao dịch, dẫn tới phải tăng - giảm tải nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng tuổi thọ thiết bị và tăng nguy cơ sự cố.
Đối với các nhà máy thủy điện, khả năng vận hành tối ưu trong mùa lũ để giảm lưu lượng xả qua tràn cũng khó được đáp ứng trong các chu kỳ phụ tải thấp. Nhiều nhà máy phải chạy công suất thấp để điều chỉnh điện áp hệ thống trong các giờ thấp điểm hoặc các ngày có phụ tải thấp, gây ảnh hưởng đến doanh thu và tăng tỷ lệ điện tự dùng...
Bán buôn cần hành lang pháp lý
Trước những bất cập trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tham gia thị trường điện; tiếp theo là nghiên cứu đưa các nhà máy năng lượng tái tạo như điện gió... tham gia thị trường điện (có thể thí điểm sau đó rút kinh nghiệm để triển khai mở rộng). Mặc dù đây là việc làm khó vì các nhà máy có nguồn điện phân tán, phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng.
Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần phải hoàn thiện sớm hành lang pháp lý cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Khó khăn lớn nhất là làm sao xây dựng cơ chế bù chéo cho Tổng công ty Điện lực vì hiện nay khâu phát điện - đầu vào đã tiến hành thị trường, trong khi giá bán lẻ - đầu ra vẫn tiếp tục điều tiết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhìn nhận, thị trường phát điện cạnh tranh cũng như bán buôn điện cạnh tranh vẫn còn nhiều việc phải làm.
Trong bối cảnh năm 2019, thị trường phát điện cạnh tranh có khó khăn là nguồn thủy điện không dồi dào, năng lượng tái tạo ngày càng nhiều nhưng khó triển khai, điều này cần khẩn trương tháo gỡ.
Bên cạnh đó, đối với thị trường bán buôn điện, Cục Điều tiết điện lực cần sớm trình lãnh đạo Bộ về cơ chế quản lý (hoàn thành Thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện). "Nếu không minh bạch ngay từ đầu thì không có động cơ khuyến khích", ông Vượng nhấn mạnh.
Để đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh đi vào vận hành chính thức từ năm 2019, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh các công tác như hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như tiếp tục triển khai đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị thành viên đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện.
Thy Lê