Sáng nay (5/6), tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về: xử lý những vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên quốc lộ, đường bộ cao tốc; trách nhiệm của Bộ GTVT trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (Ảnh: Quochoi.vn) |
Liên quan tới những bất cập của các dự án BOT, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) chất vấn: sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí. Nhưng trước đó, 2 Bộ GTVT và KH&ĐT với nhiều lập luận cho rằng Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán dự án BOT giao thông do đây là dự án của nhà đầu tư tư nhân.
"Vì sao 2 Bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu Kiểm toán không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm thu phí của 61 dự án BOT không? Và có lợi ích nhóm ở đây không?", đại biểu nêu hàng loạt câu hỏi.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ GTVT đã mời kiểm toán, chủ doanh nghiệp BOT cũng trực tiếp mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán, thậm chí mời cả công an chứ không phải như thông tin nói rằng Bộ GTVT không đồng ý kiểm toán dự án.
"Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán. Số liệu hơn 200 năm phải trả phí mà các đại biểu phản ánh, trong kỳ họp trước chúng tôi đã trả lời. Theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê duyệt, chúng tôi sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư. Nhà đầu tư triển khai xong, chúng tôi sẽ quyết toán.
Căn cứ vào quyết toán thực tế, chúng ta điều chỉnh lại hợp đồng. Hợp đồng cuối cùng mới cho thu phí. Nếu kiểm toán căn cứ vào dự án khi mới được phê duyệt sẽ không đúng thực tế. Chúng tôi đã giải trình một lần rồi. Số liệu hơn 200 năm là đúng nhưng chỉ đúng với dự án được duyệt. Số liệu thực tế quyết toán, thời gian thu phí đã giảm rất nhiều so với hợp đồng nguyên tắc ban đầu", Bộ trưởng cho biết.
Trước đó, báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ, GTVT là một ngành kinh tế đặc biệt, nhu cầu của xã hội rất lớn. Việc phát triển GTVT cần có ngân sách, nhưng trong điều kiện hiện nay, ngân sách còn rất hạn chế.
Do đó, dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng hệ thống GTVT còn nhiều bất cập, đầu tư tương đối không bảo đảm được ở một số vùng miền. “Với nguồn vốn được giao, chúng tôi cố gắng tham mưu Chính phủ để thực hiện dự án lớn nhất, tốt nhất để sử dụng vốn có hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Về an toàn giao thông, theo Bộ trưởng, đây là lĩnh vực cả xã hội rất quan tâm. Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong nhiều năm qua, tình hình tai nạn giao thông đang từng bước kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay đang ở mức cao. Số vụ, số người chết, số người bị thương về tai nạn giao thông vẫn còn nhiều. “Đây là trách nhiệm lớn của ngành GTVT, các cơ quan chức năng, đặc biệt là hệ thống chính trị để chúng ta cùng vào cuộc cố gắng bảo đảm an toàn giao thông tốt hơn cho người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Về công tác quản lý vận tải, Bộ đã bám sát Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư để điều hành. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, trong thời gian gần đây, xuất hiện mô hình xe mới đó là xe công nghệ, xe hợp đồng ứng dụng công nghệ mà một số nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, khiến xã hội dư luận quan tâm. Bộ trưởng cho biết, cố gắng trong trách nhiệm của mình sẽ bảo đảm hoạt động vận tải được tốt nhất.
Về vấn đề thu phí tự động không dừng, đây là chủ trương mà Chính phủ đã có Quyết định 07 và Bộ hiện nay cũng đang tập trung để thực hiện, cố gắng hoàn thành theo tiến độ mà Chính phủ chỉ đạo.
“Tóm lại, thời gian vừa qua, ngành GTVT đã cố gắng rất nhiều để đáp ứng được yêu cầu về phát triển hạ tầng, quản lý vận tải bảo đảm an toàn giao thông, tuy nhiên, chúng tôi biết rằng nhu cầu rất lớn, khả năng có hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.
Lê Thúy