Chính thức lên sàn từ năm 2009 và đã có thời điểm thị giá cổ phiếu HUT chạm ngưỡng 5x, tuy nhiên, sau nhiều năm biến động, HUT đã mất dần vị thế trên sàn chứng khoán.
Trong những phiên giao dịch đầu năm 2018, cổ phiếu HUT ghi nhận vùng giá 11.000 đồng/cp nhưng đến nay cổ phiếu chỉ còn giao dịch quanh mức giá 5.000 đồng/cp.
Cổ phiếu “trà đá”
Mới đây, vị Chủ tịch đã phải “quăng phao” cứu giá cổ phiếu HUT khi có động thái đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu HUT để nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 5/11 đến 29/11/2018.
Thông tin này đã giúp HUT tăng nhẹ lên mức hơn 5.500 đồng/ cp trong vài phiên giao dịch. Tuy nhiên, tác động này dường như chỉ mang tính chất ngắn hạn và không đủ “nặng” đối với HUT.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/11, cổ phiếu HUT ghi nhận tại mức 4.400 đồng/cp, đây là kết quả của 4 phiên giảm giá liên tiếp trong tuần giao dịch mới đây (5-9/11), tương đương đã giảm 61% so với đầu năm và 20% so với tuần trước đó.
Mới đây nhất là động thái bán ra của hai quỹ thuộc VinaCapital bán ra tổng cộng 950.000 cổ phiếu HUT hồi cuối tháng 9. Sau giao dịch này, VinaCapital chỉ sở hữu 5,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ còn 2,23%.
Trước đó, vào tháng 6/2018, VinaCapital cũng đã bán ra 500.000 cổ phiếu HUT, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn hơn 6,7 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ đạt 2,68%.
Ngoài hai quỹ trên, nhóm VinaCapital còn Windstar Resources Limited sở hữu 23,4 triệu cổ phiếu và VOF Investment Limited nắm 3,5 triệu cổ phiếu HUT. Như vậy, cả nhóm quỹ này hiện chỉ còn nắm giữ 32,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 12,94% vốn.
Được biết, trong nhóm quỹ VinaCapital còn có hai quỹ khác đang sở hữu 10,71% vốn điều lệ của doanh nghiệp gồm: Windstar Resources Limited (9,32%); VOF Investment Limited (1,39%).
Tuy nhiên, HUT vẫn có những điểm sáng như thanh khoản luôn duy trì mức ổn định khoảng gần 2 triệu đơn vị mỗi phiên; bên cạnh đó là mức chi trả cổ tức bằng tiền đều đặn mỗi năm.
Không quá khó khăn để lý giải mức giá cổ phiếu “bèo” của “ông trùm” BOT này bởi kết quả kinh doanh không mấy tươi sáng với doanh thu và lợi nhuận liên tiếp sụt giảm từ đầu năm 2017 đến nay.
Sức “ì” của HUT khiến cổ đông lớn “mệt mỏi” |
Khi “thuốc bổ” thành “thuốc độc”
Gần đây, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản, dừng triển khai mới các dự án BOT, chỉ tập trung khai thác các dự án hiện tại.
Nhìn vào danh mục đầu tư của HUT cho thấy doanh nghiệp đang tập trung vào nhiều lĩnh vực, ngoài xây dựng còn có y tế, rác thải, nông nghiệp, năng lượng… Những dự án đầu tư “chi nhiều, thu ít”đã khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng đi xuống.
Theo BCTC quý III/2018, trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận 164,4 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 57% so với cùng kỳ; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 54 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ gần 3,5 tỷ đồng so với quý III/2017.
Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính trong quý III tăng mạnh đạt 80,1 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với cùng kỳ, nhưng chi phí tài chính lại chiếm tới gần 36 tỷ đồng và hoàn toàn là chi phí lãi vay.
Trong nhiều năm trở lại đây, chi phí tài chính của HUT luôn ở mức cao, có khi vượt hơn doanh thu tài chính và chi phí lãi vay luôn chiếm gần như tuyệt đối trong cân đối chi phí tài chính của công ty.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 759,3 tỷ đồng, giảm 46% so với 9 tháng năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 80,5 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/9/2018, tổng tài sản của HUT đạt 10.776 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm cũng như nợ phải trả vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu nguồn vốn của công ty.
Hiện, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này là gần 7.500 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là 912 tỷ đồng, nợ dài hạn là 6.560 tỷ đồng.
Theo thuyết minh BCTC, các khoản vay này chủ yếu dùng cho các dự án BOT và BT nhưng các dự án này lại liên tiếp gặp “vận đen”. Chủ tịch Phạm Quang Dũng cũng phải thừa nhận rằng đầu tư vào dự án thu phí không dừng VETC là một sai lầm.
Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện, tỷ suất sinh lời từ các dự án BOT, BT chỉ khoảng 11,5%/năm, là mức thấp so với thời gian mà nguồn vốn chủ sở hữu bị “giam”.
Còn nhớ, trong nửa đầu năm 2016, doanh nghiệp đã “kiếm bộn tiền” từ mảng thu phí BOT khi doanh thu lên tới 203 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ, chiếm 15% tổng doanh thu thời điểm đó.
Từng được kỳ vọng là “thuốc bổ” giúp cổ phiếu HUT ngày càng khỏe mạnh thì các dự án BOT, BT dường như lại trở thành “liều thuốc độc” đang dần dần khiến doanh nghiệp đi vào “ngõ cụt”.
Linh Đan