Năm 2002, dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Chính phủ chủ trương xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) và giao cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) triển khai.
Rủi ro cho nhà đầu tư
Tại dự án này, Chính phủ đã quyết định bố trí thanh toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 4.069 tỷ đồng, trả nợ gốc đến hạn các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD thời gian từ 13 đến 30 năm).
Ngoài ra, Chính phủ đã cho phép VIDIFI được sử dụng 4.723 tỷ đồng tiền sử dụng đất của khu đô thị Gia Lâm để hoàn vốn cho dự án. Đồng thời, doanh nghiệp này được hợp tác với đối tác để triển khai dự án khu đô thị để nhận tiền sử dụng đất.
Đến nay, dự án đã đi vào hoạt động được 3 năm, nhưng chủ đầu tư chưa nhận được hơn 4.000 tỷ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng cũng như hơn 4.700 tỷ đồng tiền sử dụng đất từ khu đô thị Gia Lâm.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 28/5, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng đây là vấn đề đặt ra giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tất nhiên đây là doanh nghiệp do Nhà nước thành lập, nhưng cũng cho thấy chưa có sự rạch ròi về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và quyền hạn đã cam kết.
Theo ông Xuyền, sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư, khi Nhà nước cam kết trả nợ cho doanh nghiệp nhưng qua nhiều năm tháng vẫn chưa trả được nợ, khiến doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
"Sự việc này có thể sẽ làm tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư", đại biểu Xuyền lo ngại.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng nhà đầu tư cần nhất là Nhà nước phải có trách nhiệm với hợp đồng BOT đã ký với họ chứ không phải làm xong rồi buông tay. Hợp đồng ký kết, đường, cầu người ta làm xong rồi, trạm thu phí xây xong rồi mà không đảm bảo được cho họ thu tiền. Đó chính là vấn đề.
"Nhà đầu tư cần nhất là Nhà nước phải có trách nhiệm với hợp đồng BOT đã ký, không thể làm xong rồi là buông tay. Cứ làm như vậy, sẽ không còn doanh nghiệp Việt Nam nào chịu đứng ra làm nữa. Họ sợ rủi ro như vậy kinh khủng lắm", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu.
Đại biểu Xuyền cho biết chính ông đã chất vấn trước Quốc hội về vấn đề này, nhưng đến nay, Quốc hội mới bố trí được hơn 4.000 tỷ đồng để trả nợ, tuy nhiên Thường vụ Quốc hội vẫn chưa đồng tình về vấn đề này.
Câu chuyện về các dự án BOT trong lĩnh vực hạ tầng chưa khi nào giảm nhiệt |
Cần sòng phẳng với doanh nghiệp
"Cam kết của chính phủ với doanh nghiệp đang có vấn đề về niềm tin, trách nhiệm. Trong lĩnh vực kinh tế càng phải sòng phẳng, chứ không thể chỉ là một lời xin lỗi hoặc hứa hẹn là xong", ông Xuyền nói.
Vị đại biểu này cho rằng doanh nghiệp đã làm tốt theo đúng cam kết thì phải trả nợ và yêu cầu cam kết bằng nghị quyết của Quốc hội, Thường Vụ Quốc hội về việc trả nợ, không để nợ đọng kéo dài, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp.
Tại phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, một số đại biểu đã chỉ ra thực trạng nhiều dự án BOT chưa thể triển khai được do khó khăn trong việc bố trí vốn đầu tư công để thực hiện.
Bản thân Bộ Giao thông và Vận tải, các địa phương cũng đã nỗ lực tìm phương án, trong đó bao gồm vay ODA hoặc huy động vốn tư nhân. Khả năng vay ODA bị hạn chế do vướng trần nợ công, chưa kể luôn kèm theo những ràng buộc khắt khe. Còn thu hút tư nhân triển khai BOT chưa bao giờ dễ dàng, trong khi đó, ngân hàng cũng đã "siết" vốn vay cho các dự án BOT.
Do đó, để kêu gọi được doanh nghiệp chấp nhận chia sẻ những khó khăn với Nhà nước thì cũng phải sòng phẳng với họ, thị trường như thế mới thu hút, huy động khu vực tư nhân tham gia được.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng đã có những dự án được "hồi sinh" nhờ tư duy đột phá trong cách làm năng động của địa phương.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay ở Quảng Ninh, việc huy động BOT rất tốt. Để dự án BOT thành công và thu hút được các doanh nghiệp tham gia, việc đầu tiên là phải giải phóng mặt bằng.
Hiện các dự án BOT tỉnh Quảng Ninh tự bỏ tiền ngân sách ra giải phóng mặt bằng và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư như dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Kết quả, Quảng Ninh đã kêu gọi thành công nguồn vốn nửa tỷ USD từ tư nhân để triển khai dự án và đã phát lệnh khởi công ngày 3/4/2019.
"Nhiều dự án BOT thất bại là do giải phóng mặt bằng, khiến đội vốn và doanh nghiệp không chịu được. Do đó, việc phân bổ nguồn lực là do sự đánh giá của địa phương; nếu đánh giá quan trọng thì nên ưu tiên", ông Thắng nói.
Thanh Hoa