Thực tế, những tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Airbus, Boeing… vẫn đánh giá cao triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Bằng chứng rõ nhất là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất vừa kết thúc chuyến làm việc tại Việt Nam, với những kỳ vọng mạnh mẽ về cam kết đầu tư trong thời gian tới.
'Ông lớn' vẫn chờ xem xét
Tuy nhiên, xét trên số liệu thực tế thì rõ ràng vốn FDI đầu tư tại Việt Nam vẫn đang giảm mạnh. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, tính đến ngày 20/03/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 4,3 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Thuế tối thiểu toàn cầu đang khiến nhà đầu tư lớn cẩn trọng, xem xét khi rót vốn vào Việt Nam. |
"Đáng chú ý, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam để đưa ra các quyết định đầu tư mới. Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu", Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, đồng thời dẫn số liệu cho thấy, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 3 tháng.
Về đầu tư nước ngoài, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định Việt Nam được đánh giá là điểm sáng, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một con số cảnh báo là số vốn đăng ký mới đã có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Năm 2022, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,45 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ. “Chúng tôi đã liên tục cảnh báo đó là xu hướng nguy hiểm trong tương lai”, ông Cung nhấn mạnh rằng, không nên quá lạc quan về việc đón sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc, thay vào đó cần có giải pháp thu hút FDI hiệu quả.
Đặc biệt, liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết doanh nghiệp này sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, trong trường hợp không có thay đổi về chính sách thuế tại Việt Nam.
Theo đó, Samsung sẽ phải nộp một số thuế bổ sung lớn về Hàn Quốc mỗi năm. Điều này dẫn tới hệ quả là năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp sẽ bị sụt giảm, đồng thời cũng tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho chính sách thu hút FDI của Chính phủ Việt Nam.
Bỏ tư duy thu hút FDI bằng ưu đãi thuế
Thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã ngỏ ý mong muốn Việt Nam có thêm chính sách hỗ trợ trực tiếp khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu như trợ giá tiền điện, tài trợ tiền mặt… Tuy vậy, những đề xuất cần phải xem xét kỹ trong bối cảnh mà nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Bình luận về câu chuyện thu hút "đại bàng", GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, kể lại câu chuyện khi Việt Nam thu hút Intel. Thời điểm đó, Intel bắt đầu quan tâm và phát tín hiệu muốn đầu tư tại Việt Nam. Xác định đây là một dự án trọng điểm, vì vào thời điểm đó, Việt Nam chưa có dự án nào quy mô lớn và trong lĩnh vực công nghệ cao, Chính phủ đã thành lập tổ đặc nhiệm để xem xét, đàm phán với Intel, cùng với đó giải quyết nhanh về thủ tục thuế, hải quan.
“Intel lúc đó đang xem xét đầu tư tại 4 nước. Họ đã đưa ra một bản yêu cầu gồm 28 điều khoản. Tổ đặc nhiệm đã phân chia rõ ràng những yêu cầu nào có thể đàm phán, không cần đàm phán và không thể đáp ứng. Cách làm khoa học này khiến Intel rất ấn tượng. Cuối cùng, Intel vẫn chọn Việt Nam, và vẫn đang mở rộng tại Việt Nam", GS. Nguyễn Mại cho biết.
Từ câu chuyện thu hút Intel cho thấy, đôi khi ưu đãi thuế không phải là yếu tố quan trọng nhất khiến nhà đầu tư rót vốn. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên loại bỏ tư duy thu hút FDI bằng ưu đãi thuế. Thay vào đó, Việt Nam cần tập trung đầu tư cho chất lượng lao động để nguồn nhân lực là hấp lực chính trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định rằng, việc thực thi quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có những tác động trực tiếp tới môi trường đầu tư; đồng thời, tạo ra những thách thức mới trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam và đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian tới.
Việt Nam đang thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam thông qua các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trong đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là biện pháp quan trọng nhất. Khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì hầu hết các biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng (miễn thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15%) sẽ không còn giá trị đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này dẫn đến chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Do vậy, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng vấn đề đặt ra là nếu Việt Nam không thu thêm thuế thì các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng vẫn phải nộp thuế bổ sung tại nước khác. Do đó, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư như thế nào để tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu và ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Việt Nam. Bảo đảm nhất quán trong chính sách thu hút và bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam.
“Thời gian áp dụng Quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu đang đến gần, đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu các chính sách và giải pháp khi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi rộng rãi”, bà Ngọc đánh giá.
Nhật Linh