Sáng 14/6, tại hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam", ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt liên ngành bao gồm đại diện các bộ, ngành để xử lý vấn đề liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu.
Cần tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư
GS TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề thời sự được các quốc gia và các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới quan tâm.
Thuế tối thiểu toàn cầu để chống lại cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư thông qua giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Các quốc gia được khuyến khích hành động để hưởng lợi từ việc hạn chế cạnh tranh thuế và tránh việc các khoản thu thuế bị thu ở nơi khác. Do đó, Việt Nam cần chủ động tham gia và cần có giải pháp thích ứng để vừa bảo đảm thực hiện quy định của quốc tế, vừa bảo đảm lợi ích dân tộc.
Đại diện Samsung mong muốn Chính phủ Việt Nam có thể nghiên cứu, ban hành thêm nhiều phương án, biện pháp mới để hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư. |
Vậy, làm gì để khi thực thi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu Việt Nam vẫn giữ chân các nhà đầu tư lớn và đảm bảo được sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, tiếp tục thu hút được các dự án trọng điểm, công nghệ cao phục vụ công cuộc Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước?
Theo ông Mại, Việt Nam cần sửa đổi một số chính sách thuế và ưu đãi đầu tư tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế và các quy định có liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định quốc tế.
Đồng thời, cần đàm phán lại hợp đồng với doanh nghiệp FDI chịu tác động bởi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc “cùng có lợi”, để loại trừ khả năng chuyển thuế sang nước cư trú của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài những vấn đề trên, ông Mại còn cho rằng, cần phải đảm bảo mức thuế thu nhập doanh nghiệp bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu đã được thống nhất trên toàn cầu.
Bãi bỏ tất cả các ưu đãi thuế được quy định tại các luật thuế và luật đầu tư nhằm giảm hoặc loại bỏ thuế đánh vào lợi nhuận, bởi vì các hình thức khuyến khích này không những có hiệu quả thấp trong việc thu hút đầu tư, không đạt được mục tiêu khuyến khích đầu tư, thậm chí còn dẫn đến tình trạng chuyển thuế từ các quốc gia tiếp nhận FDI sang các quốc gia cư trú của công ty xuyên quốc gia (TNCs).
Đồng tình, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hiện nay chính sách thuế toàn cầu nói chung đều có tác động đến các hoạt động đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Đặc biệt là chính sách thuế tối thiểu toàn cầu chưa có đánh giá rà soát nhưng tác động khá mạnh mẽ đến phương thức Việt Nam đã và đang sử dụng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Kèm theo đó chúng ta có cả cơ hội, nếu tận dụng tốt sẽ tăng thu, và buộc phải đa dạng hóa các biện pháp đầu tư.
Ông Hiếu cho rằng thách thức phải giải quyết trước mắt là tính kịp thời. Đây là 1 thách thức không hề nhỏ, về cả nội luật và luật song phương trong khi thời gian rất ngắn.
“Trước bài toán gấp gáp và kịp thời, cần có cách làm đặc biệt hơn, hiệu quả hơn, thay đổi thể chế như kỳ họp bất thường của Quốc hội, hoặc 1 luật sửa nhiều luật”, ông Hiếu nói.
Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, cần xem xét trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và việc hỗ trợ doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Hương Vũ, Tổng giám đốc EY Consulting Việt Nam khẳng định, Việt Nam thực sự là một nơi đáng tin cậy, một "thiên đường" cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam luôn tìm cách duy trì các chính sách, ưu đãi cũng như luôn đồng hành với doanh nghiệp dù bất cứ chuyện gì xảy ra.
Tuy nhiên, dưới tác động của việc bãi bỏ tất cả các ưu đãi thuế được quy định tại các luật thuế và luật đầu tư khi tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, bà Hương cho rằng những phương án thay thế như tăng chi phí, khấu hao… sẽ không hiệu quả. “Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Việt Nam có thể "mở lòng", nghiên cứu phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng tiền”, bà Hương Vũ kiến nghị.
Chia sẻ với kiến nghị của Tổng giám đốc EY Consulting Việt Nam, ông Mại lấy ví dụ năm 2006 khi Intel đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp này yêu cầu hỗ trợ bằng tài chính và Việt Nam chấp nhận nhưng không phải hoàn toàn bằng tiền mặt mà còn bằng đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ tiền mặt khoảng 20-25 triệu USD.
“Vì vậy, giải pháp đã được các nước khác, cả EU áp dụng mà không ảnh hưởng cam kết quốc tế thì chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng và còn dùng nhiều cách hơn khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu”, chuyên gia này cho hay.
Trong khi đó, với vai trò của doanh nghiệp FDI đang có 14 năm đầu tư tại Việt Nam, ông Kim Yong Seok– giám đốc đối ngoại của Samsung cho biết: Samsung chọn đầu tư vào Việt Nam nhờ các yếu tố ưu đãi đầu tư, địa lý thuận lợi và chính trị ổn định. Đến nay, tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam là hơn 18 tỷ USD.
Theo đại diện Samsung, một trong những chính sách ưu đãi của Chính Phủ Việt Nam là đang tập trung quá nhiều vào thuế trong đó có thuế TNDN, nhưng khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không còn quá nhiều tác dụng cho các nhà đầu tư vì khi áp dụng chính sách này sẽ làm tăng chi phí và giảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Samsung là một doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Việt Nam, nhưng với những doanh nghiệp đang tìm hiểu hoặc bắt đầu đầu tư tại Việt Nam họ sẽ cân nhắc. Vì vậy, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam phải làm sao giảm thiểu được rủi ro này cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Việt Nam”, ông Kim Yong Seok kiến nghị.
Bên cạnh đó, vị giám đốc này mong muốn được cải thiện thủ tục hành chính quá phức tạp, đồ sộ, bởi đây là trở ngại cho các nhà đầu tư.
Thanh Hoa