Từ năm 2024, các quốc gia EU, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Với Việt Nam, nước nhận nhiều vốn đầu tư nước ngoài, việc áp thuế này sẽ khiến chúng ta mất lợi thế về ưu đãi thuế, về dài hạn có thể khiến dòng vốn suy giảm. Theo đó, Bộ KH&ĐT đã gặp gỡ hàng loạt doanh nghiệp (DN), hiệp hội để lắng nghe đề xuất, phương án của DN, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia đã và đang làm ăn tại Việt Nam có doanh thu lớn là đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu.
Kéo giảm lợi thế thu hút FDI
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), cho biết ngày 31/12/2022, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật sửa đổi liên quan đến thuế quốc tế, bao gồm quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và dự định áp dụng chính thức từ tháng 1/1/2024.
Khi thuế tối thiểu toàn cầu được chính thức áp dụng, các ưu đãi về thuế thu nhập DN sẽ không đem lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư. |
Việt Nam đang áp dụng ưu đãi về thuế DN như miễn/giảm thuế nhằm thu hút đầu tư. Nếu căn cứ vào các thay đổi gần đây về Quy định Luật của Chính phủ Hàn Quốc cũng như những chính sách ưu đãi về Thuế DN hiện đang được Chính phủ Việt Nam áp dụng, từ năm 2024, các DN lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp phần thuế được giảm ở Việt Nam về Hàn Quốc do các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Nếu vậy, ông Hong Sun đánh giá các nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc sẽ bị vô hiệu hóa, do Thuế DN tăng cao sẽ tác động xấu đến năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam do các chi phí đầu tư bị tăng lên.
Vì vậy, KoCham đề xuất Chính phủ Việt Nam cần giảm thiểu tối đa các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và cần thay đổi đối với chế độ ưu đãi thuế DN hiện tại nhằm duy trì năng lực cạnh tranh đối với thu hút đầu tư nước ngoài mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra vào thời gian đầu.
Theo báo cáo từ Bộ KH&ĐT, Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư. Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khi thuế tối thiểu toàn cầu được chính thức áp dụng, các ưu đãi về thuế thu nhập DN sẽ không còn đem lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Đối với các DN hiện hữu, khả năng xung đột với nguyên tắc bất hồi tố đối với ưu đãi đầu tư, tác động đến kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án hiện hữu, niềm tin của nhà đầu tư giảm sút. Đối với các DN đầu tư mới, giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài, gia tăng áp lực hành chính trong quá trình đầu tư.
'Ông lớn' ngoại đề xuất gì?
Điều này đòi hỏi cần sớm có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả và ban hành các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới. Hiện, Singapore dự kiến sẽ thực hiện Thuế bổ sung nội địa (DTT) để điều chỉnh chế độ thuế DN nhằm đáp ứng mức thuế tối thiểu toàn cầu, dự kiến sẽ áp dụng từ 1/1/2025. Quốc gia này sẽ tiếp tục thận trọng theo dõi diễn biến quốc tế để điều chỉnh kế hoạch triển khai thực tế.
Hay Thái Lan, dự kiến xây dựng “gói” pháp lý chính sách để thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu gồm các chính sách về ưu đãi thuế nội địa, mức thuế tối thiểu trong nước và các quy định hỗ trợ đầu tư như hỗ trợ chi phí phát triển cơ sở hạ tầng, trợ giá điện trong năm 2023.
Ở góc độ DN, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc bộ phận đối ngoại và trách nhiệm xã hội Canon Việt Nam cho hay, Canon thuộc đối tượng bị đánh thuế tối thiểu toàn cầu. Hiện nay, nội địa hoá của Canon tại Việt Nam là 50%, đang cạnh tranh mạnh với Ấn Độ, Philippines. Thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng rất lớn.
Theo đó, đại diện Canon mong muốn Chính phủ Việt Nam nên duy trì ưu đãi như hiện tại và có thể hỗ trợ thêm chi phí cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như chi phí điện, nhà ở, máy móc, chi phí đưa đón nhân viên…
Trong khi đó, đại diện Foxconn tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ hỗ trợ để DN phát triển tăng trưởng xanh, kéo giảm chi phí đầu tư tại Việt Nam.
Cùng với đó, đại diện Foxconn phản ánh một trong những lợi thế để thu hút dòng vốn FDI là cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính. “Nhiều thủ tục hành chính chờ được xét duyệt còn kéo dài, đơn cử như thủ tục phòng cháy chữa cháy kéo dài đến 2 năm mà không được thẩm định, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của DN”, đại diện Foxconn tại Việt Nam cho biết.
Đại diện Samsung Việt Nam cũng kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng những chính sách ưu đãi đầu tư mới để gia tăng hiệu quả cho DN, giảm chi phí đầu tư tại Việt Nam. Làm được điều này, lợi thế thu hút FDI của Việt Nam sẽ gia tăng.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh, các DN châu Âu không lo ngại về thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng hơn 50% DN đề xuất Việt Nam đơn giản hoá thủ tục hành chính. Đồng thời, nếu Chính phủ Việt Nam có hỗ trợ thì nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng xanh. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh.
Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng đề xuất tăng cường cơ chế hỗ trợ những ngành nghề đặc thù, như liên quan đến thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, đơn giản hoá thủ tục cũng là ưu đãi, hỗ trợ DN đầu tư công nghệ, hạ tầng…
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Để ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, chúng ta cần thống nhất hành động với sự tham gia của cả cộng đồng. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng sẽ xem xét hỗ trợ nhà đầu tư, dựa trên xem xét chi phí mà nhà đầu tư phải bỏ ra ở Việt Nam như thế nào để tính giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là các dự án có tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội như dự án công nghệ cao. Ông Đặng Ngọc Minh Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Trước mắt, cơ quan thuế dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các DN và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của OECD. Tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam. Về trung hạn, kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước, ban hành thuế tối thiểu 15%, ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường. Ông Greg Testerman Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam Liệu việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu có làm giảm hoặc mất đi các ưu đãi về thuế (đặc biệt là thuế thu nhập DN), mà các DN này đang được hưởng theo quy định hiện hành hay không. Chính phủ Việt Nam nên nghiên cứu tác động cuối cùng của mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các nhà đầu tư và công ty tại Việt Nam và có những giải pháp tiềm năng để thu hút đầu tư. |
Lê Thúy