Năm 2018, nhận thấy mối nguy khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA) có thể gây sức ép cạnh tranh lớn cho ngành đường Việt Nam, Hiệp hội Mía đường (VSSA) đã kiến nghị giãn thực hiện cam kết ATIGA đến 1/1/2020 để có thêm thời gian cho chuẩn bị hội nhập và Việt Nam đã vận động thành công việc gia hạn này. Tuy nhiên, 2 năm sau, các động thái chuẩn bị ứng phó với ATIGA chưa có gì rõ ràng, câu chuyện khó khăn của ngành mía đường vẫn không có gì thay đổi, thậm chí trầm trọng hơn do giá đường sụt giảm.
Mối lo đường nhập khẩu
Theo phân tích của Tổ chức Mía đường quốc tế (ISO), đặc điểm nổi bật nhất trong ngành mía đường thế giới là giá đường thế giới rẻ một cách bất thường do sự thao túng, trợ cấp, thậm chí phá giá đường để hỗ trợ xuất khẩu (XK) của các nước XK đường.
Do đó, các quốc gia sản xuất đường luôn tìm cách kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm giá đường ổn định, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng trong sự cân đối với lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp (DN) và đặc biệt ngăn chặn sự “xâm lăng” của đường nhập khẩu (NK) giá rẻ.
Ngành mía đường của ASEAN cũng không phải là một ngoại lệ dù đang thực hiện cam kết tự do hóa theo Hiệp định ATIGA. Chẳng hạn, Thái Lan, Philippines và Indonesia đang áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại “trá hình” để bảo vệ ngành mía đường của mình và “khóa đầu ra” của đường NK.
Để thực thi ATIGA, trên danh nghĩa, các nước này vẫn cho phép cá nhân, tổ chức và DN được NK đường nhưng sẽ phải nằm chờ tại kho dự trữ mà không được “tự do” bán vào thị trường nội địa nếu như chưa được sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền. Đây có thể được xem là hình thức bảo hộ “trá hình” nhằm thay thế hạn ngạch DN bằng hạn ngạch nội địa với hiệu quả bảo hộ hoàn toàn tương tự.
Trong khi đó, cũng các quốc gia ASEAN này lại kiên quyết yêu cầu Việt Nam loại bỏ hạn ngạch thuế quan và áp dụng mức thuế suất từ 0 – 5% đối với mặt hàng đường theo cam kết ATIGA.
Các chuyên gia cảnh báo việc triển khai hoàn toàn Hiệp định ATIGA có thể khiến giá đường trong nước giảm tới 20%, các nhà sản xuất phần lớn đã không giảm chi phí, trong khi nông dân Việt Nam vẫn phải vật lộn với năng suất thấp. Nếu không có sự can thiệp của Chính phủ, ngành mía đường, với khoảng 1,5 triệu nông dân đang trồng mía và các DN sản xuất đường ở Việt Nam khó tồn tại trong cuộc cạnh tranh trên thị trường mở.
Ông Antoine Meriot, Tổng giám đốc Sugar Expertise, một công ty tư vấn của Mỹ cho biết: “Ngành đường Thái Lan sản xuất đường gần gấp 6 lần so với tiêu thụ, điều đó có nghĩa là 80% sản lượng đường dành riêng cho XK. Rất rõ ràng, nó là một mối đe dọa thực sự cho ngành đường Việt Nam”.
Ngành mía đường đang gặp khó khăn về mọi mặt trước thời điểm ATIGA có hiệu lực |
Học cách “đối phó”
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký VSSA, cuộc cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất đường Thái Lan sẽ rất khó khăn. Hiện chỉ còn 36 nhà máy đường đang hoạt động, VSSA dự kiến chưa tới 30 DN sẽ duy trì sản xuất vào cuối năm 2020.
“Dự báo giá đường sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới có thể dẫn đến việc đóng cửa thêm của các nhà máy và nông dân chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn, làm tổn thương nguồn cung mía trong nước” VSSA cho hay.
Nguyên Chủ tịch VSSA, ông Phạm Quốc Doanh nhiều lần lên tiếng về việc đường Việt Nam không thể cạnh tranh với đường Thái Lan ở mức giá 8.000-9.000 đồng/kg và nguy cơ các DN sản xuất mía đường trong nước bị DN ngoại thâu tóm, hoặc trở thành các DN làm thuê cho nước ngoài là rất lớn.
Sau 2 năm trì hoãn thực hiện Hiệp định ATIGA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), khẳng định việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan NK đường theo cam kết ATIGA từ ngày 1/1/2020 là không thể trì hoãn.
“Đến 1/1/2020, nếu chúng ta tiếp tục vi phạm cam kết khả năng rất cao sẽ có trừng phạt thương mại đối với Việt Nam”, ông Thái cho hay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu từ bỏ biện pháp quản lý và bảo hộ đường như hiện tại, Việt Nam không hề có giải pháp thay thế một cách tích cực. Việt Nam phải chấp nhận “tiêu chuẩn kép” khi tự mình loại bỏ mọi hàng rào bảo hộ trong khi các nước ASEAN khác được tự do áp dụng đủ hình thức bảo hộ, kể cả hành vi trợ cấp, hạn chế NK bị cấm tuyệt đối theo quy định của ATIGA hay WTO.
Do đó, một số DN kiến nghị Việt Nam có thể tham khảo các chính sách đối phó của Thái Lan, Indonesia, Philippines. Một chuyên gia cho rằng vấn đề đặt ra là nếu như việc bảo hộ của Thái Lan, Indonesia, Philippines là phù hợp với ngoại lệ theo Điều XX của GATT/WTO, Điều 8 (Ngoại lệ chung) hay Điều 9 (Ngoại lệ vì lý do an ninh) thì cũng đồng nghĩa Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp tương tự, kể cả việc áp dụng hạn chế phân phối đường NK trên thị trường nội địa.
Trường hợp các biện pháp này được áp dụng trái với quy định, thì việc Việt Nam thực thi cam kết một cách “nghiêm túc” chẳng khác nào làm phương hại lợi ích chính đáng của chính mình. Điều này đi ngược lại với phương châm hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh bình đẳng mà Đảng và Nhà nước đã và đang nhất quán theo đuổi. Việt Nam sẵn sàng là đối tác đáng tin cậy và sẵn sàng thực thi đầy đủ cam kết quốc tế, nhưng rõ ràng tình huống đối với ngành mía đường là vấn đề hoàn toàn khác.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng kéo dài thời gian bảo hộ là không hợp lý. Ngành mía đường phải tái cơ cấu, tập trung nguồn lực phát triển vùng nguyên liệu. DN nào mạnh thì tập trung nguồn lực phát triển; vùng nguyên liệu nào chưa tốt cần phải chuyển đổi mô hình phát triển.
Theo ông Doanh, ATIGA hay bất kỳ một FTA nào, đều là cuộc sát hạch gắt gao với các DN nội: “Ngành đường cũng giống như những ngành khác, sẽ có DN tiếp tục phát triển lớn, nhưng cũng phải có những DN không thể phát triển được nữa. “Trả giá” là điều không thể tránh khỏi”.
Hoàng Hà
Ts. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế Trong thời gian sắp tới, theo tôi, tinh thần chung của mía đường phải tự mình là chính, trước khi tính đến câu chuyện đàm phán lại. Điều đó có nghĩa là phải chỉ ra được khó khăn thực sự của ngành mía đường để cứu ngay lập tức. Nhà máy nào chết và cái chết ấy nằm ở đâu? Chết vì NK theo hạn ngạch hay vì nhập lậu? Nếu nhập lậu thì chúng ta có giải pháp hay không? Nghiên cứu này cần thiết để giải quyết khó khăn cho ngành mía đường trong bối cảnh hiện nay và cũng là cái để đặt lên bàn nếu phải tiến tới phương án đàm phán lại. PGs.Ts Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Chúng ta cần phải thẳng thắng nhìn nhận năng lực cạnh tranh của ngành mía đường. Nếu thấy khó cải thiện thì phải tái cấu trúc, hoặc chuyển đổi cây trồng khác. Vấn đề mấu chốt hiện nay của ngành đường vẫn là phải kéo giá thành sản xuất cây mía xuống, bởi đây là khâu quan trọng nhất khiến giá thành đường trong nước cao hơn đối thủ cạnh tranh Ông Subbaiah - Tổng Giám đốc công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam Hiện tại, giá đường trong nước của Thái Lan rất cao nhưng giá đường XK lại thấp vì Chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp mía đường. Chúng tôi mong muốn Chính phủ có chính sách đúng đắn, phù hợp như tạm hoãn thời gian hội nhập và có cơ chế để các DN ngành mía đường có thể tự quyết với những sản phẩm của chính mình để tiếp tục đầu tư phát triển. |